Nhà thơ Tế Hanh đã về với con sông quê hương

08:07, 16/07/2009
.
Nhà thơ Tế Hanh - một trong những người đại biểu cuối cùng của phong trào Thơ mới đã ra đi lúc 12h20 ngày 16 tháng 7 năm 2009. Khi chúng tôi đến nhà riêng của ông tại số 10 Nguyễn Thượng Hiền thì xe ôtô chuyển thi hài ông tới nhà tang lễ vừa chuyển bánh dưới trời Hà Nội mưa như trút nước.

Nhà thơ Tế Hanh (1921 - 2009)
Nhà thơ Tế Hanh (1921 - 2009)
Cách đây đúng 10 năm tại lễ kỉ niệm 40 năm bộ đội Trường Sơn, nhà thơ Tế Hanh đến dự và bị một cơn tai biến não. Từ đó đến nay ông nằm trên giường bệnh và nhiều lúc chập chờn trong vô thức.

Nhà thơ Tế Hanh sinh ngày 20 tháng 6 năm 1921, quê ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - một vùng gần biển có phong cảnh khá đẹp và dân cư sống chủ yếu bằng nghề chài lưới.

Có năng khiếu thơ ca từ nhỏ, lại được tiếp xúc với thơ văn lãng mạn Pháp nên Tế Hanh đã đến với phong trào Thơ mới như một lẽ tự nhiên. 

Những ngày nghỉ học là bài thơ đầu tiên viết năm 1938. Những sáng tác trong thời Hoa niên đã được giải thưởng của Tự lực văn đoàn năm 1939. Khi Thơ mới đã bắt đầu đi vào các đề tài siêu thực, siêu hình thì thơ Tế Hanh lại hấp dẫn người đọc bằng sự chân chất và tình cảm. 

Hàng loạt những bài như Lời con đường quê, Những ngày nghỉ học, Chiếc rổ mayđã ghi lại dấu ấn của một trái tim nhân hậu phảng phất những nỗi buồn trong trẻo.

TẾ HANH: Tên thật là Trần Tế Hanh; sinh ngày 20/6/1921; Giải thưởng văn học Tự lực văn đoàn năm 1939, Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Hội Văn nghệ Liên khu V tặng. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt I năm 1996.

Đặc biệt trong thời kì này, ông đã để lại bài thơ thật đặc sắc viết về làng quê chài lưới với dòng sông, với biển cả, với vị men nồng mặn của đất trời, với Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng/Cả thân hình nồng thở vị xa xăm/Con thuyền im bến mỏi trở về nằm/Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Nếu nói rằng thơ chống Mĩ bắt nguồn từ thơ đấu tranh thống nhất nước nhà thì Tế Hanh là một trong những nhà thơ có nhiều đóng góp hơn cả. Là nhà thơ miền Nam tập kết ra Bắc, Tế Hanh luôn luôn hướng về quê hương. 

Những bài thơ của Tế Hanh về đề tài đấu tranh thống nhất, về nỗi nhớ quê hương được xếp vào loại những bài thơ hay nhất, thành công nhất: Nhớ con sông quê hương, Mặt quê hương, Nói chuyện với sông Hiền Lương, Chiêm bao... 
Đất nước liền một dải, cớ sao lại cắt chia: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/Tận chân trời mây núi có chia đâu. Tên gọi các tập thơ của Tế Hanh cũng đã phần nào nói lên tình cảm ruột thịt giữa hai miền Nam - Bắc trong suốt 20 năm đấu tranh: Lòng miền Nam (1956), Gửi miền Bắc (1958), Tiếng sóng (1960), Hai nửa yêu thương (1963), Khúc ca mới (1966), Đi suốt bài ca (1970), Câu chuyện quê hương (1973), v.v… 

Thơ Tế Hanh chân thành, trong sáng, giản dị, tình cảm đầm ấm, rung động tinh tế. Nhiều bài thơ hay của ông là sự việc, câu chuyện được dẫn dắt bằng một tình cảm tha thiết dưới ánh sáng của trí tuệ, là sự hài hòa giữa mô tả và biểu hiện, giữa kể và tâm tình. 

Các tập thơ sau này như Khúc ca mới (1966), Đi suốt bài ca (1970), Câu chuyện quê hương (1973), Theo nhịp tháng ngày (1974), Giữa những ngày xuân (1977),Con đường và dòng sông (1980), Bài ca sự sống (1985), Thơ Tế Hanh (1989), Giữa anh và em (1992), Em chờ anh (1994) đã ghi những dấu mốc quan trọng trên chặng đường sáng tạo của nhà thơ. 

Các tập thơ của ông là sự thể hiện những rung động sâu sắc về những vấn đề riêng chung, về những sự kiện xã hội, về con người và cuộc sống theo cái “tạng” riêng của mình. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến những bài thơ tình thật đặc sắc của ông như Vườn xưa, Em ở đâu, Bài thơ tình ở Hàng Châu, Bão

Khi đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn có những câu thơ da diết đến nao lòng: Tặng em thế kỉ chúng ta/ Niềm vui nỗi khổ đều qua vội vàng. Những năm cuối đời, nhà thơ Tế Hanh bị bệnh về mắt, thị lực giảm sút. Nhiều bài thơ viết trong thời gian này in rõ dấu vết của thời gian tuổi tác và hoàn cảnh riêng của tác giả: Cái thời đá bóng hăm hai đứa/ Nay đánh cờ suông có một mình. 

Nhưng trên tất cả những nỗi buồn nhân thế vẫn là một mạch sống hồn hậu, tin yêu chảy trong đời như không bao giờ chán nản: Ta vẫn tin mãi nằm bên sự sống/ Như đất như trời như núi như sông.  

                                                                                                Theo Lưu Khánh Thơ (VietNamNet)

Nhớ con sông quê hương 

  Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng

Chẳng  biết nước có giữ ngày giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm của dòng trôi
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ

Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

Khi  bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bẩy
Bầy chim non bơi lội trên sông

Tôi  dang tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm hôm chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông

Tôi  hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng miền Nam
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghềnh thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương

                                                                                                Tế Hanh                             

Sông quê. Ảnh: Photobucker
Sông quê. Ảnh: Photobucker


.