“Đấu chiêng” - Nét văn hoá hấp dẫn trong sinh hoạt cồng chiêng của người Kor

04:07, 31/07/2009
.
(QNg) - Chiêng, tiếng Kor gọi là: Chêc/Chic, gồm có hai chiếc. Một chiếc lớn hơn, một chiếc nhỏ hơn không nhiều, bỏ lọt lòng vào nhau. Chiếc lớn hơn là: "Puô" (chiêng đực), chiếc nhỏ hơn là "Pi" (chiêng cái) và một chiếc trống (Agor).

Đối tượng đánh dành cho đàn ông con trai. Người diễn tấu có thể ngồi, đứng, đi di chuyển thoải mái, đánh bằng dùi, một tay nắm giữ dây đai, một tay cầm dùi đánh từ phía "bụng" chiêng (phía trong). Đánh chiêng, tiếng Kor gọi là: "Dhuôp", dhuôp Chêc/dhuôp Chic, gồm có 5 điệu cơ bản: Dhuôp Khuưl tamoi (đánh chào khách); Dhuôp Cajaq (đánh của những người già); Dhuôp Xam rung (đánh sinh hoạt trong lễ cúng của vùng đường rừng); Dhuôp Unh talac (đánh sinh hoạt vui chơi của vùng đường nước); Dhuôp Ayoot (đánh sinh hoạt vui chơi của vùng đường rừng).

Múa cồng chiêng của dân tộc Kor (ảnh minh hoạ)
Múa cồng chiêng của dân tộc Kor (ảnh minh hoạ)
Trong năm điệu kể trên, các điệu Khuưl tamoi, điệu Cajaq và điệu Xam rung là các điệu đánh cho các lễ cúng, không dùng trong các sinh hoạt vui chơi, giải trí thông thường. Đối tượng đánh là người lớn tuổi, có kinh nghiệm để đánh đúng chỗ, đúng lúc, đúng bài theo nghi thức của lễ cúng, mang ý nghĩa thiêng liêng cho gia đình, cho làng. Trong nghi lễ, tiếng chiêng mang tính chất trang nghiêm, nên những người còn trẻ tuổi ít được đảm nhiệm. Còn điệu Unh talac và điệu Ayoot là điệu đánh cho điệu múa (Kdhaoq) để vui chơi giải trí trong những ngày lễ, hội đâm trâu, sinh hoạt vui chơi giải trí khác... nên ai cũng có thể tham gia. Trong quá trình đánh chiêng, người diễn tấu có thể tuỳ hứng mà ứng tác, biểu diễn những mô típ, câu nhạc và phong cách lối chơi riêng của mình. Vì vậy thường có những pha biểu diễn "Đấu chiêng" thật độc đáo và hấp dẫn.

Trong sinh hoạt diễn tấu chiêng, điệu Unh talac (của vùng đường nước) và điệu Ayoot (của vùng đường rừng), chiếc Puô (chiêng đực) dẫn đầu vang lên âm thanh đầu tiên và được quyền quyết định kết thúc bài diễn tấu. Rồi đến chiếc trống (Agor) làm chủ công nhịp và cuối cùng là chiếc chiêng Pi (chiêng cái) bám theo tiết tấu nhịp trống. Đánh cho điệu múa, tiết tấu trống mở đầu bao giờ cũng chậm thong thả, sau đó tăng dần tốc độ và về sau càng thúc giục, dồn dập hơn. Điệu múa cũng vậy, đoạn đầu thì nhẹ nhàng, uyển chuyển, cũng động tác đó càng về sau thì càng tăng dần tốc độ, tạo nên không khí diễn tấu âm nhạc - điệu múa rộn rã, sôi nổi.

Để tạo cho không khí vui tươi, sôi động hơn, đến đoạn giữa và cuối bài diễn tấu người đánh chiếc Puô (chiêng đực) chủ động tạo nên những mô típ, câu nhạc để đua tài với chiếc Pi (chiêng cái); vừa thể hiện khả năng ứng tác, biểu diễn âm nhạc của mình trong quá trình diễn tấu. Do đó, người đánh chiếc chiêng Puô thường là những người khoẻ mạnh, có quá trình tập luyện, khả năng diễn tấu chiêng, và dĩ nhiên phải có năng khiếu về âm nhạc thì mới tạo nên những mô típ, đoạn nhạc phong phú, hấp dẫn và có thể giành phần thắng cuộc.

 Cũng có những trường hợp người đánh chiếc Puô phải chấp nhận thua cuộc bằng cách kết thúc sớm cuộc diễn tấu bài chiêng. Đấu chiêng là một hình thức đối đáp những mô típ, câu nhạc với nhau, người có khả năng nghệ thuật đấu chiêng là người có những ứng tác, phiu các mô típ, câu nhạc, đoạn nhạc chiêng phong phú để đáp lại câu của đối phương; đồng thời thách đố với đối phương. Bên nào bị hạn chế, không có khả năng ứng tác những mô típ, câu nhạc, cứ lặp đi lặp lại thì được xem là bị thua.

Hoặc có thể tạo điều kiện cho đối phương có thời gian suy nghĩ bằng cách giao lưu với trống, với múa, sau đó tiếp tục thi đấu. Nếu hai người đều có khả năng diễn tấu đấu chiêng ngang nhau thì cuộc đua tài càng kéo dài thời gian, tạo nên bài diễn tấu, đấu chiêng phong phú hấp dẫn hơn. Người vỗ trống với vai trò chủ công nhịp, cảm thấy tinh thần, không khí tranh đấu sôi nổi, quyết liệt hơn thì cách khích, càng tăng dần tốc độ nhanh, dồn dập, sôi động hơn, những người múa cũng phải dừng lại để cổ vũ cho mọi người, cứ thế cuộc đấu chiêng giữa chiếc Puô và chiếc Pi ngày càng quyết liệt, sôi động, gây cấn, hấp dẫn, tạo cho không khí đêm lễ hội thật vui tươi và mang nhiều ý nghĩa...
 MINH ĐÁT

.