Một nét văn hoá K’dong

03:06, 05/06/2009
.
Y phục truyền thống của thiếu nữ K’dong huyện Sơn Tây. Ảnh: VĂN XUÂN
Y phục truyền thống của thiếu nữ K’dong huyện Sơn Tây. Ảnh: VĂN XUÂN
Tôi lên Sơn Tây ngay từ những ngày đầu huyện mới thành lập. Ngày ấy đường chưa ra đường, phải đi băng qua gập ghềnh khe núi, suối - đèo.

 

Tuy nhiên, cảnh vật và con người đã thu hút tôi bởi vẻ đẹp hoang sơ và bình dị. Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, thì K’dong - tên tộc người cư trú ở Sơn Tây, có nghĩa là "Người sống trên núi cao".

 

Cố nghệ sĩ ưu tú Đinh Long Ta, người con của dân tộc K’dong đã kể về truyền thuyết dân gian dân tộc K’dong qua câu chuyện: "Ngày xưa có 2 anh em, người anh tên là Ra đăm A Dét, người em tên là Ra đăm A dong có tài săn bắn và hát Ra nghế, Ka lêu. Một hôm đi phát rẫy, 2 người bắt được một con Dúi (tức là con Trút), người em về nấu thịt Dúi còn người anh thì ra suối tắm.

 

Thịt chín, người em đợi mãi không thấy anh về bèn ăn trước mấy miếng rồi ngủ thiếp đi. Bỗng đâu có con mèo rừng đi qua, ăn hết thịt trong nồi. Người anh đi tắm về nhìn thấy trong nồi trống không nghĩ rằng người em tham lam đã ăn hết nên lấy cây đuổi đánh, người em hoảng sợ chạy mãi về hướng đông, đến một làng nhỏ bao quanh là ruộng nước, có ngôi nhà là nơi ở của cụ già và cô cháu gái.

 

A dong ở lại đó và được cụ già gả cô cháu gái cho. Tuy thành vợ thành chồng rồi nhưng vì không biết làm ruộng nên A dong dẫn vợ lên núi cao làm rẫy và săn bắt sinh sống. Thời gian trôi qua, con cháu sinh sôi đông đúc thành tộc người riêng biệt, nói một nửa tiếng H’re, một nửa tiếng Kor, đó là tổ tiên người K’dong hiện nay".

 

Tôi đã nhiều lần được xem diễn tấu chiêng bên suối Huy Măng, các loại chiêng Hrang, Hlênh tấu lên khi trầm hùng như tiếng của đại ngàn âm u huyền bí, khi thì trong trẻo, thanh thoát như tiếng suối róc rách đầu nguồn. Tôi cũng đã từng nghe các chàng trai, cô gái hát Ra nghế Dêôdê trong những đêm lửa rừng bập bùng ở xóm Trường và ở nhiều hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh.

 

Tôi đến thăm căn nhà sàn nhỏ của cố nghệ sĩ ưu tú Đinh Long Ta ở xã Sơn Mùa cách đây hơn một năm, khi đó sức khoẻ anh còn tương đối, anh say sưa nói về dân ca, dân nhạc, dân vũ và dân tộc K’dong yêu quý của anh. Tôi cũng đã nghe diễn tấu Ka xuôn, đây là một bài chiêng cổ được đánh trong lễ mừng đám cưới. Lời chiêng cầu chúc cho đôi vợ chồng luôn luôn sống bên nhau; quấn quít, thương yêu nhau, cùng đi lên rẫy như hình với bóng, luôn ăn một mâm, luôn ngủ một giường.

 

Tiếng chiêng khi rộn rã chúc mừng ngày cưới,  lúc ngân nga như lời người già khuyên bảo đôi vợ chồng trẻ hãy sống chung thuỷ với nhau đến cuối cuộc đời. Tôi yêu bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc K’dong, trân trọng vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ đặc sắc và phong phú của dân tộc K’dong và luôn mong rằng, vốn quý vô giá đó luôn được gìn giữ và phát huy, để cùng hoà vào dòng chảy của nền văn hoá của cộng đồng các dân tộc anh em trên Tổ quốc Việt Nam.

Thành Vinh

 


.