(Baoquangngai.vn)- Sáng 28/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi.
[links()]
Năm học 2020-2021, toàn ngành đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa hoàn thành kế hoạch năm học.
Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt 99,7%; phổ cập giáo dục tiểu học đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,6%, tăng 0,2% so với năm học trước.
Ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế. Các kỳ thi cấp khu vực và quốc tế, học sinh Việt Nam tiếp tục đạt được kết quả cao. Có 37/37 học sinh tham gia đạt giải Olympic 2021.
Có 160/163 cơ sở giáo dục đại học và 10/29 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tự chủ đại học đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là trong thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước.
Năm học 2021-2022, dự báo là một năm học đầy khó khăn, thách thức khi đại dịch Coivd-19 bùng phát tại hầu hết các địa phương trong cả nước.
Bộ GD-ĐT xác định sẽ chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành thích ứng với dịch Covid-19 gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những cố gắng, nỗ lực của toàn ngành trong năm học qua, đồng thời chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD-ĐT và các địa phương chuẩn bị năm học mới thích ứng với tình hình mới. Cần ưu tiên tiêm vắc xin cho đội ngũ giáo viên. Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế có giải pháp tìm nguồn vắc xin, trước mắt tìm nguồn vắc xin cho học sinh từ 12 tuổi trở lên. Tiến tới những học sinh được tiêm vắc xin có thể trở lại trường học như cách làm của một số nước.
Với những địa phương có dịch thì triển khai phương án dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình, không để học sinh thất học. Khi tình hình dịch ổn định, các trường bố trí thời gian dạy bù để bổ sung kiến thức cho học sinh khi học sinh trở lại trường học; đưa hướng dẫn chống dịch vào nhà trường.
Hoàn thành Chiến lược giáo dục trong quý IV/2021 cùng với kế hoạch hành động cụ thể để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục ở tất cả các bậc học; có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào trường sư phạm; tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập.
Tăng cường dạy học ngoại ngữ, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử. Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp năm học tới để giáo viên, học sinh có thời gian chuẩn bị. Bộ Xây dựng rà soát quy hoạch trường học. Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ giáo viên vùng sâu vùng xa.
Với tình trạng thiếu thừa giáo viên cục bộ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GD-ĐT thành lập đoàn kiểm tra đánh giá tình hình thiếu giáo viên để cùng các địa phương có giải pháp riêng cho mỗi địa phương; cơ cấu lại hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên làm sao cho tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với từng địa phương, từng địa bàn, từng đối tượng…
Tin, ảnh:
ÁI KIỀU