(Báo Quảng Ngãi)- Việc đánh giá, xếp loại học sinh (HS) theo Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT đã được triển khai thực hiện tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Qua đó, bước đầu giảm áp lực về điểm số, khích lệ HS học tập, tuy nhiên vẫn còn một số lo ngại.
Phải có sự bao quát
Theo các nhà quản lý giáo dục, ưu điểm nổi bật của Thông tư 26 là đánh giá toàn diện dựa trên sự phát triển của từng HS. Giáo viên phải kiểm tra, đánh giá HS trên nhiều phương diện, đa dạng các hình thức, kể cả việc chuẩn bị bài, chuẩn bị dụng cụ học tập... Muốn vậy, giáo viên phải có tầm bao quát rộng hơn, toàn diện về sự phát triển của HS. Đây chính là định hướng giáo dục phổ thông đánh giá dựa trên phẩm chất năng lực HS.
Học sinh Trường THCS Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) trong giờ học. |
Nhiều ý kiến cho rằng, đánh giá bằng nhận xét nếu không triển khai tốt sẽ rất dễ trở thành khuôn mẫu. Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) Võ Thành Nho lưu ý: “Đánh giá HS bằng nhận xét có mặt tích cực là đánh giá sự tiến bộ của HS, nhưng cũng có mặt hạn chế. Bởi vì, trên thực tế có những giáo viên dạy gần 500 HS thì việc đánh giá khó chính xác. Việc đánh giá bằng nhận xét đòi hỏi công sức rất lớn của giáo viên để tránh việc đánh giá rập khuôn...”.
Thông tư 26 còn đưa người học cùng tham gia vào hoạt động kiểm tra, đánh giá. Khi được tự đánh giá bản thân, HS sẽ làm chủ hoạt động học tập, không học một cách đối phó. Các em cũng học được cách đánh giá của giáo viên, phải biết đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá kết quả học tập rèn luyện của chính mình.
Em Hồ Thị Ngãi, lớp 7, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Thủy (Trà Bồng) chia sẻ: “Việc HS được tham gia đánh giá cùng các thầy cô giáo sẽ giúp chúng em tăng cường kỹ năng tự nhận xét, đánh giá. Từ đó giúp chúng em hiểu được nhiều điều và việc đánh giá sẽ có hiệu quả hơn”.
Học sinh vẫn lo lắng
Thông tư 26 hướng đến việc giảm đáng kể áp lực về điểm số, khích lệ HS học tập, tăng năng lực ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế. Tuy nhiên, một số quy định khiến HS lo lắng. Theo quy định, HS sẽ có các cột điểm như cột điểm thường xuyên (nhiều cột, hệ số 1), cột điểm giữa kỳ (một cột, hệ số 2) và cột điểm cuối kỳ (một cột, hệ số 3).
Ở cột giữa kỳ, trước đây đa số trường đều cho kiểm tra tập trung các môn để lấy điểm, kèm với một số cột điểm giữa kỳ khác bằng các hình thức kiểm tra khác tại lớp. Vì vậy, nếu HS làm bài kiểm tra tập trung không tốt, có thể lấy điểm khác trên lớp bù qua. Nhưng theo thông tư mới, mỗi môn chỉ có một cột điểm giữa kỳ. Điều này sẽ thiệt thòi cho HS, nếu làm bài không cẩn thận.
Em Thái Huyền Trang, lớp 9A, Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) lo lắng: “Quy định mới giảm đầu điểm, trong đó bỏ bài kiểm tra 1 tiết sẽ bất lợi cho chúng em. Trước đây, mỗi HS có nhiều cột điểm thì có thể lấy điểm cao bù cho cột điểm thấp. Còn quy định mới, nếu HS sơ suất trong bài kiểm tra giữa kỳ, thì sẽ không có cơ hội gỡ điểm”.
Theo các nhà quản lý giáo dục, giảm số lần kiểm tra để tăng về mặt nhận xét, nhằm tránh sự khập khiễng khi đánh giá bằng điểm số. Từng giáo viên, từng tổ bộ môn phải nghiên cứu chương trình, nội dung nào đưa vào kiểm tra định kỳ, nội dung nào đưa vào kiểm tra thường xuyên...
Các bài kiểm tra định kỳ được nhà trường tổ chức kiểm tra chung trong toàn khối. Đề kiểm tra phải xây dựng trên ma trận và đặc tả theo chuẩn kiến thức kỹ năng quy định, đánh giá sát thực hơn việc học tập, đáp ứng chuẩn đầu ra của HS và tạo công bằng cho HS giữa các lớp, các trường, các vùng miền. Điều này cũng tạo thuận lợi hơn khi các trường xét tuyển bằng học bạ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, các trường ra đề kiểm tra dễ nhằm giúp HS có học bạ “đẹp” để xét tuyển vào các trường đại học, còn nếu ra đề khó sẽ thiệt thòi cho HS trường mình.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG