(Baoquangngai.vn)- Sau bão số 9, rất nhiều trường học ở các huyện miền núi bị hư hỏng nặng, có trường bão cuốn bay cả mái. Để đảm bảo việc dạy và học các địa phương tận dụng nhà văn hóa thôn hoặc mượn nhà dân để dạy học. Dẫu có nhiều khó khăn, song thầy và trò đều nỗ lực vượt khó để đảm bảo chương trình dạy đúng kế hoạch.
[links()]
Mượn hiên nhà dân làm trường học
Tiếng học trò ê a đọc bài, lời giáo viên chỉ dạy vang lên văng vẳng giữa cơn mưa rừng như trút nước. Bao quanh lớp học là... lớp lưới BL40 và không gian trống trơn. Đấy là hình ảnh của thầy và trò Trường tiểu học Trà Lâm tại điểm lẻ thôn Trà Khương, xã Trà Lâm, Trà Bồng. Sau bão số 9, toàn bộ phần mái của điểm trường này bị bão cuốn phăng. Phần xà gồ thì xiêu vẹo, vách tường ướt nhẹp. Nhiều sách vở và đồ dùng học tập hư hỏng.
Không thể khôi phục kịp điểm trường hư hỏng để tổ chức dạy và học nên các thầy cô giáo đã mượn hiên nhà của một hộ dân gần trường để... làm nơi dạy và học. Những chiếc bàn, cái ghế được khiêng từ phòng học chính ra hiên nhà xếp thành từng hàng ngay ngắn.
Phía trên, tận dụng hai trụ mái hiên, các thầy cô cột thêm cây sắt ngang để treo tấm bảng. Những cơn mưa rừng kèm theo gió hắt nước vào những ô vở làm con chữ nhòe đi. Cái lạnh ở nơi núi cao khiến nhiều em co ro. Dẫu chuyện học gặp nhiều khó khăn nhưng thầy và trò nơi đây vẫn miệt mài cùng từng trang sách, bài tập.
Lớp học tạm dưới mái hiên nhà dân |
Cô trò cùng nhau vượt khó để đảm bảo chương trình dạy và học |
Cách điểm trường Trà Khương tầm 30km, giữa núi rừng Trà Phong, gần 100 cháu học sinh Trường Mầm non Trà Phong, những ngày qua được chuyển đến nhà văn văn thôn gần đó để đảm bảo việc dạy và học. Trước đó, trường bị sạt lở núi phủ lấp toàn khuôn viên trường.
Ngoài các điểm trường trên thì trên địa bàn huyện còn có 6 điểm trường mầm non nằm ở các xã thuộc khu tây (huyện Tây Trà cũ-PV) cũng rơi vào tình cảnh tốc mái, hư hỏng chưa thể tốc chức dạy và học được nên ngành giáo dục đã đề nghị các địa phương bố trí nhà văn hóa thôn, trụ sở UBND xã sau sáp nhập dôi ra để làm lớp học. Một số nơi phải mượn nhà dân. Đối với những trường bị tốc mái một phần thì nhà trưởng tổ chức học theo ca, hoặc sử dụng phòng máy tính, thư viện để tổ chức giảng dạy.
Sớm khắc phục để ổn định việc dạy và học
Đứng bên “ngôi trường đặc biệt” nhìn sang bên kia là điểm Trường Tiểu học Trà Lâm xơ xác sau cơn bão. Phần mái trơ trọi mặc mưa gió. Các thầy cô giáo công tác ở đây cho biết, từ sau bão công tác khắc phục được khẩn trương thực hiện như khiêng bàn ghế và đồ dùng học tập ra khỏi trường để sắp xếp tạo điểm học mới vừa tránh bị hư hỏng.
Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Trà Lâm Đỗ Ngọc Chung cho biết, điểm trường thôn Trà Khương là một trong những nơi khó khăn nhất mà cả giáo viên lẫn học trò nơi đây nhiều năm qua đều nỗ lực vượt qua. “Từ điểm trường tạm bợ, sau này trường được xây kiên cố thầy và trò rất mừng. Nhưng giờ nhìn cảnh tang hoang mà buồn lắm. Chỉ mong sớm có kinh phí khắc phục để đảm bảo công tác dạy và học ổn định”, thầy Chung nói.
Lớp học tạm chỉ có thể che được mưa. |
dãy phòng học bị tốc mái vẫn chưa thể khắc phục |
Theo thống kê của huyện Trà Bồng, sau bão số 9 và số 10, toàn huyện có 32/55 trường học bị thiệt hại do bão. Nhiều trường học bị tốc mái hoàn toàn khiến công tác dạy và học gặp nhiều khó khăn. Dù đã nỗ lực khắc phục, song vẫn còn nhiều điểm trường chưa thể đưa vào giảng dạy được bởi thiệt hại quá lớn. Theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng Đinh Thị Thu Hương, đến nay công tác dạy và học đã tạm ổn, song tại các điểm trường lẻ thì sẽ rất lâu mới ổn định như trước được bởi cần có thời gian để khắc phục.
“Để đảm bảo công tác dạy và học Phòng đã tham mưu UBND huyện để nhanh chóng khắc phục các điểm trường bị hư hỏng, sớm ổn định công tác dạy học sau bão. Nhất là tại các điểm trường phải mượn nhà dân để học tạm”, bà Hương nói.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC