(Báo Quảng Ngãi)- Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (thay Thông tư 12) được ban hành có hiệu lực từ ngày 1.11.2020 với nhiều điểm mới.
[links()]
Thay đổi tư duy trong giáo dục
Trước đây, Thông tư 12 quy định học sinh (HS) vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức như phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn.
Thầy và trò Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) trong giờ học. |
Nay Thông tư 32 đã thay đổi quy chế kỷ luật này tại Khoản 2, Điều 38. Cụ thể, HS vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để HS khắc phục khuyết điểm; thông báo với cha mẹ HS, nhằm phối hợp giúp đỡ HS khắc phục khuyết điểm; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT. Về cơ bản, các hình thức phê bình HS trước lớp, trước trường và cảnh cáo ghi học bạ đã không còn áp dụng. Theo nhiều giáo viên, việc bỏ hình thức kỷ luật này thể hiện sự thay đổi trong tư duy giáo dục.
Thầy giáo Huỳnh Tấn Phiển, dạy môn Ngữ văn, Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cho rằng: “Việc bỏ phê bình HS trước lớp, trường, không khiển trách, kỷ luật trước tập thể là quy định mang tính nhân văn, phát huy tinh thần học tập của các em. Giáo viên có sự gần gũi, trao đổi, hợp tác với HS nhiều hơn so với trước đây. Giáo viên như là cha mẹ, anh chị, không dùng những lời nặng. Khi HS vi phạm thì giáo viên phải tìm hiểu nguyên nhân để giúp các em khắc phục, thay vì phê bình trước lớp”.
Em Trần Thị Hạ My, lớp 9A, Trường THCS Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) bày tỏ: Việc nhắc nhở, giúp đỡ, động viên HS khi vi phạm sẽ giúp mối quan hệ giữa thầy và trò trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Qua đó, tạo động lực cho HS cố gắng khắc phục những vi phạm.
Những điểm mới cần lưu ý
Thông tư 32 còn có những quy định mới. Trong đó, HS được phép sử dụng điện thoại phục vụ việc học tập trong giờ học, nếu được giáo viên cho phép. Đây là nội dung gây nhiều tranh luận khi Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo. Tuy nhiên, quy định này nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học trong nhà trường, tạo điều kiện cho HS nghiên cứu, ghi chép kiến thức dễ dàng hơn.
Thông tư 32 cũng quy định, sách giáo khoa sử dụng trong trường trung học do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt; UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ GD&ĐT, thay vì giao quyền tự chủ trong chọn sách giáo khoa về các trường. Trường trung học hướng dẫn giáo viên, HS sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.
Việc kiểm tra, đánh giá HS được thực hiện theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành; bảo đảm tính toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan, vì sự tiến bộ của HS, chú trọng đánh giá quá trình học tập của HS; không so sánh HS này với HS khác và không gây áp lực cho HS, giáo viên và cha mẹ HS.
Học sinh không được lưu ban quá 3 lần trong một cấp học cũng là một trong những điểm mới của Thông tư 32. Tuổi của HS vào lớp 6 là 11 tuổi, tuổi học sinh vào lớp 10 là 15 tuổi. Đối với những HS được học vượt lớp ở cấp học trước hoặc học vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, thì tuổi vào lớp 6 và lớp 10 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp cấp học trước. Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc vượt lớp trong phạm vi cấp học.
Bên cạnh đó, Thông tư 32 cũng quy định những điều giáo viên không được làm như xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể học sinh và đồng nghiệp; gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh, bỏ giờ, bỏ buổi học; xuyên tạc nội dung dạy học, giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức; ép buộc HS học thêm để thu tiền; hút thuốc lá, rượu, bia và sử dụng chất kích thích khác khi đang dạy học...
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG