Những thay đổi trong khen thưởng, kỷ luật học sinh

04:10, 14/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh (HS) trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Dự thảo có nhiều thay đổi theo hướng tích cực và nhận được sự đồng tình cao, nhằm hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện...
Xóa bỏ các hình thức kỷ luật không phù hợp
 
Mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới là hướng tới việc hoàn thiện nhân cách cho HS dựa trên 5 phẩm chất. Việc xóa bỏ một số nội dung trong kỷ luật HS nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và hạnh phúc. Nhiều nhà khoa học tâm lý đã chứng minh luận điểm “kỷ luật là sự thất bại của giáo dục”. Chính vì vậy, dự thảo thông tư về khen thưởng và kỷ luật HS là rất cần thiết trong thời điểm ngành giáo dục có nhiều đổi mới hiện nay. 
 
Cô và trò Trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi).
Cô và trò Trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi).
 
Nhiều phụ huynh đồng tình với các biện pháp kỷ luật tích cực tại dự thảo thông tư như: Khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với HS mắc khuyết điểm; tổ chức tư vấn tâm lý cho HS mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý; yêu cầu HS thực hiện nhiệm vụ lao động phù hợp, vừa sức như: Trực nhật, vệ sinh lớp học, trường học, dọn dẹp thư viện, trồng hoặc chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà trường...
 
Thông tư 08 đã được áp dụng hơn 30 năm, có 2 hình thức kỷ luật gây tranh cãi và bị cho rằng phản giáo dục là khiển trách, cảnh cáo HS trước lớp, trước toàn trường và hình thức buộc thôi học. Hình thức kỷ luật “nêu tên” trước lớp, trước trường sẽ khiến HS mặc cảm, xấu hổ, gây tổn thương về mặt tâm lý; thậm chí có thể gây tác dụng ngược là khiến các em thêm ngỗ ngược và có hành động xấu hơn. Đối với hình thức kỷ luật đuổi học, đa số các trường đã không còn áp dụng trên thực tế. Dự thảo thông tư quy định mức kỷ luật cao nhất là HS bị tạm dừng học tập tối đa 2 tuần (không đuổi học 1 năm như quy định tại Thông tư 08). Đồng thời, trong quá trình kỷ luật, nhà trường sẽ có bộ phận theo dõi, giúp đỡ và dùng biện pháp giáo dục tích cực đối với HS. 
 
Tạo động lực để học sinh rèn luyện
 
Mục đích của việc ban hành thông tư lần này là nhằm tạo động lực để HS rèn luyện, tu dưỡng bản thân, phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, pháp luật của Nhà nước; giáo dục, giúp đỡ để HS chủ động, tự tin điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm. Thông tư quy định 4 hình thức khen thưởng đó là, khen thưởng trước lớp, tuyên dương trước trường, tặng giấy khen, các hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp với mục đích và nguyên tắc khen thưởng HS.
 
Dự thảo thông tư cũng quy định, các cơ sở giáo dục phải tạo điều kiện cho HS bị kỷ luật có cơ hội được giáo dục trong môi trường mới; nếu HS bị kỷ luật và gia đình có nguyện vọng chuyển trường, trên cơ sở thỏa thuận của nhà trường nơi HS muốn chuyển đến, cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền, hiệu trưởng nhà trường xem xét, tạo điều kiện cho HS được chuyển trường theo quy định.
 
Em Phạm Thị Thúy Tình, lớp 12C12, Trường THPT Võ Nguyên Giáp (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: "Chúng em mong muốn các thầy, cô giáo sử dụng hình thức kỷ luật nhẹ nhàng để tránh gây áp lực, tạo động lực để chúng  em phấn đấu, vươn lên trong học tập”.  
 
Khơi lên ngọn lửa đam mê
 
Chị N.T.H, có con học lớp 1 trên địa bàn TP.Quảng Ngãi lo lắng: “Tôi không cho bé học trước chương trình theo khuyến cáo của ngành giáo dục. Khi vào những tuần học đầu tiên, bé bị sốc và có biểu hiện không muốn đến trường, vì cô giáo thường xuyên phê bình và dùng thước đánh vào bàn tay. Tôi mong các cô giáo thường xuyên động viên, khuyến khích các con thay vì dùng đòn roi, để tạo tâm lý thoải mái cho trẻ. Bởi giáo dục là khơi lên ngọn lửa đam mê cho các cháu”.
 
Bài, ảnh: TR.PHƯƠNG
 
 
 
 
 
 

.