Áp lực

04:10, 13/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, từ “áp lực” là một trong những từ khóa xuất hiện nhiều nhất và cũng là một trong những từ được xã hội dùng nhiều nhất. Đủ thứ áp lực trong đời sống cá nhân, trong đời sống xã hội. Nhưng ở đây tôi muốn nói, một dạng áp lực khá kỳ lạ, đó là áp lực trong việc học của trẻ em lớp 1.
Vài chục năm về trước, không bao giờ chúng ta nghe trẻ em đi học lớp 1 lại chịu áp lực, dù là áp lực của học sinh hay áp lực của phụ huynh. Bây giờ thì chuyện áp lực cho trẻ học lớp 1 đã đè lên phụ huynh, đè lên trẻ em, ảnh hưởng tới cô giáo, và như thế, nó là từ mà xã hội không thể không nhắc đến, không thể không quan tâm. Vì sao như vậy?
 
Bắt đầu là chuyện vào lớp 1 năm nay, trẻ em phải mua nhiều loại sách học, số tiền mua sách không nhỏ, nhất là với gia đình nghèo. Mua sách giáo khoa cải cách (bộ mới) bắt đầu từ lớp 1 năm nay thì không ai có ý kiến, nhưng bên cạnh sách giáo khoa, đã xuất hiện hàng loạt sách gọi là “tham khảo” đưa về tận các nhà trường và “gợi ý” phụ huynh mua cho con em mình. Nói là gợi ý không bắt buộc, nhưng rất nhiều phụ huynh đã phải cắn răng mua, vì sợ những phiền hà liên lụy đến việc học của con mình. Chưa kể các khoản đóng góp khác cho nhà trường mà phụ huynh bắt buộc phải đóng, tổng số tiền chi cho “khúc dạo đầu lớp 1” của trẻ em  khá lớn. 
Nội dung SGK Tiếng Việt 1 năm nay quá tải đối với học sinh.                                             Ảnh: Internet
Nội dung SGK Tiếng Việt 1 năm nay quá tải đối với học sinh. Ảnh: Internet
Đó mới chỉ là áp lực về kinh tế và áp lực ấy dành cho những gia đình nghèo. Các gia đình có “bát ăn bát để” hoặc khá giả, chưa thấy ai kêu ca về chuyện tiền nong này.
 
Nhưng về chương trình học, cái này là bình đẳng cho cả con nhà nghèo lẫn con nhà giàu, đó là khoản mà phụ huynh kêu ca nhiều nhất. Các cháu nhỏ, chưa biết kêu ca, nhưng nhiều cháu đã tỏ ra lo sợ, tỏ ra phải vất vả khi học. Mới lớp 1, mà đã có nhiều cháu phải học thêm, đơn giản, vì nếu không học thêm thì theo không kịp chương trình. Đã có những đòi hỏi phải sớm biết đọc biết viết, phải thế này thế khác mà trẻ em chưa thể nghĩ tới.
 
“Trẻ em như búp trên cành /Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” (Thư Bác Hồ kêu gọi thiếu nhi viết vào dịp tết Trung thu 1941), đọc hai câu thơ ấy, ta thấy Bác Hồ đặt chuyện “ăn ngủ” của trẻ em trước cả chuyện học hành. Với trẻ em lớp 1, thì chuyện ăn ngủ vui chơi phải được đặt trước chuyện học, cùng lắm, thì phải song hành với chuyện học. Khi trẻ lớp 1 mà phải học nhiều hơn chơi, tất sẽ phải chịu áp lực. Với trẻ con, chịu áp lực sớm như thế rất không có lợi cho sức khỏe, cho sự phát triển bình thường của thể chất và trí tuệ.
 
Với phụ huynh, thì “áp lực lớp 1” của con cộng thêm vào bao nhiêu áp lực phải chịu, đã khiến nhiều phụ huynh mỏi mệt, dù không biết kêu vào đâu, kêu vào ai.
 
Với các bậc học phổ thông, thì đó không phải là “trường đào luyện thiên tài”, mà chỉ là nơi cung cấp kiến thức phổ thông, cùng với lối sống lành mạnh, chú trọng phát triển cả thể chất lẫn tinh thần, cả đạo đức lẫn tình cảm theo hướng lương thiện.
 
Một nhà bác học vĩ đại như Albert Einstein mà khi học phổ thông, điểm tổng kết hằng năm của ông rất thấp, chỉ vừa điểm trung bình. Với điểm số ấy bây giờ, Einstein sẽ bị coi là “học sinh kém, chậm phát triển”. Sự thật thế nào, ai cũng đã biết.
 
Có thể chương trình giáo dục dành cho lớp 1 có nhiều điểm rất thoáng và chú trọng đến tâm sinh lý trẻ em, nhưng thực tế sách giáo khoa lại khá nặng nề và chưa chắc đã phù hợp với tinh thần của chương trình giáo dục. Hãy suy nghĩ từ chính sách giáo khoa, để tìm cách giảm áp lực không đáng có cho học sinh. Và nhất là không để loại sách tham khảo tràn vào học đường, bất chấp bậc học và lớp học của học sinh.
 
Thanh Thảo 
 
 
 

.