Giáo viên lưu ý học sinh khi làm bài thi tốt nghiệp THPT

09:08, 06/08/2020
.
(Baoquangngai.vn) - Chỉ còn 2 ngày nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Những giáo viên có kinh nghiệm đưa ra lời khuyên với thí sinh trước khi bước vào kỳ thi quan trọng.
Với bài thi môn Ngữ văn, theo thầy Nguyễn Tấn Huy, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Khiết, các em thường không phải không làm được bài, mà là để mất điểm ở những chỗ không đáng.

Ở phần đọc hiểu, các câu nhận biết không khó để kiếm điểm nhưng các em hay nhầm lẫn. Ở câu 3, câu 4, các em phải phân biệt đâu là yêu cầu theo ngữ liệu, theo tác giả, dựa vào ngữ liệu, đâu là theo suy nghĩ của em, theo quan điểm của em.

Đây là trả lời câu hỏi, cho nên thí sinh cần trả lời ngắn gọn, sắc sảo, đầy đủ. Nếu cần các em có thể xuống dòng làm dấu gạch dầu dòng, dấu cộng đầu dòng nêu ý nhỏ của mình.

Phần nghị luận xã hội, thầy Huy lưu ý, các em nhớ làm một đoạn và bám sát một mặt, một khía cạnh của vấn đề, không bàn rộng tất cả vấn đề. Thí sinh nên đặt các câu hỏi những vấn đề ấy là gì, nói thế có nghĩa là thế nào, vì sao mà nó như thế, có biểu hiện gì, có thể dùng những dẫn chứng gì, ý nghĩa tác dụng của vấn đề nếu như không thế thì sao?…

Các em cố gắng đặt ra và trả lời các câu hỏi ngắn gọn trong vòng 200 chữ. Điều quan trọng là đề yêu cầu viết một đoạn, vì thế các em không viết cả bài văn.
 
2 ngày nữa, học sinh lớp 12 sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hai ngày nữa, học sinh lớp 12 sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
 
Về phần nghị luận văn học. Đề yêu cầu viết thành một bài văn nên phải có mở bài, thân bài và kết luận. Phần thân bài phải chia thành nhiều đoạn.

Đề chắc chắn không ra toàn bộ vấn đề, chỉ ra một mặt, một khía cạnh nào đó của vấn đề, các em tập trung bàn sâu một mặt, một khía cạnh đó; không phải bám sát theo ngữ liệu, theo những điều mình học mà bám sát theo luận đề, tức là bám sát theo yêu cầu của đề.

Với bài thi các môn trắc nghiệm, cụ thể là môn Hóa học, thầy Lê Văn Trung, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Khiết cho biết, đề thi môn trắc nghiệm bao giờ đề cũng có sự sắp xếp theo mức biết hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Phần biết hiểu đề đặt lên phần đầu, phần này chiếm 6-6,5 điểm, không  khó với thí sinh. Vì thế, các em cố gắng làm chắc chắn câu nào ra câu đó.

Phần vận dụng chiếm 2,5 điểm, các em gắng chú tâm hoàn thành ở phần này. Không quá khó để thí sinh dành được 9 điểm. Phần 1 điểm cuối cùng, có thể chấp nhận may rủi, có thời gian thì các em làm không còn thời gian thì có thể chấp nhận may rủi.
 
Học sinh nên chọn các câu dễ đề làm bài trước.
Học sinh nên làm các câu dễ trước.
 
Cô Trần Thị Thu Hà, giáo viên bộ môn tiếng Anh, Trường THPT Trần Quốc Tuấn cũng có những lưu ý quan trọng với thí sinh. Theo cô Hà, với thời lượng bài thi 60 phút dành cho 50 câu, học sinh phải chia thời lượng hợp lý.

Ma trận đề thi luôn ở các cấp độ là nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Các em phải xác định điểm mạnh và điểm yếu của mình ở mảng kiến thức nào để tập trung vào bài thi.

Cụ thể phần ngữ âm thường ở mức độ nhận biết, tuy nhiên đa số các em học sinh không mạnh về điểm này. Phần này trong đề thi các em gần đây nằm trong nội dung sách giáo khoa nên các em dành thời gian ôn tập lại.

Về phần lỗi sai, thường tập trung vào các cấu trúc ngữ pháp, các em cần lưu ý xác định lỗi sai ở chỗ nào, vùng kiến thức nào? Về phần từ đồng nghĩa và trái nghĩa, các em đọc kỹ đề, đọc câu dẫn thật kỹ khi làm bài này. Có khi cũng là các phương án như thế nhưng câu dẫn khác nhau, các em thường nhầm lẫn.

Phần ngữ pháp và từ vựng, các em phải xác định rõ từng câu thuộc mảng kiến thức nào để chọn đáp án đúng. Ở phần nào thì cũng có câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu, nhận biết học sinh nên làm trước, làm chắc chắn.

Phần viết lại câu và nối câu, lưu ý đọc câu đề, xác định thuộc mảng kiến thức thức nào để áp dụng. Một câu có thể viết lại ở 3,4 dạng khác nhau. Tuy nhiên, nếu có câu nào chưa xác định được thì dùng phương pháp loại trừ cho những câu sai thì còn lại là câu đúng.

Phần đọc hiểu, điền từ để làm tốt các em phải lưu ý từ vựng, cấu trúc và ngữ pháp, tìm ra khóa mở cho mỗi chỗ trống để điền cho chính xác.

Trong bài đọc hiểu, các em nên làm câu nhận biết trước, còn các câu ở mức độc cao hơn, đọc kỹ chốt lại phương án sau. Khi làm bài đọc hiểu phải lưu ý là không đọc dịch mà phải sử dụng kĩ thuật khi làm bài.

Đọc hiểu trước hết đọc qua bài đọc, sau đó tìm ý và tìm khóa mở của từng câu hỏi như thế nào thì các em quay lại bài đọc, vừa đọc vừa ráp đáp án, không nên ngồi đọc dịch sẽ hết thời gian. Mỗi câu hỏi đều chiếm 0,2 điểm như nhau nên thí sinh làm các câu dễ trước, những câu cấp độ khó hơn, nếu phân vân, các em dừng lại, tréo để đầu dòng, sẽ xem lại xác định sau.

“Học sinh không vội vã, không sa vào một câu nào ở thời lượng quá lâu, như thế sẽ không dàn trải được những câu còn lại. Các em phải khôn ngoan, thông minh, sử dụng điểm mạnh điểm yếu của từng cá nhân để làm bài thi đạt kết quả tốt nhất” - cô Hà lưu ý thêm.

Bài, ảnh: C.P

.