(Báo Quảng Ngãi)- Các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học hiện đã triển khai dạy học qua Internet, truyền hình và nhiều hình thức trực tuyến khác, nhằm củng cố kiến thức cho học sinh (HS) trong thời gian nghỉ học vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, hình thức dạy học này còn quá mới mẻ nên vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Lựa chọn cần thiết
Những ngày gần đây, ngành GD&ĐT TP.Quảng Ngãi đã triển khai đến các trường học để lấy danh sách phụ huynh đăng ký cho con em học qua Internet. Nhiều phụ huynh đã tích cực hưởng ứng bằng việc đăng ký cho con học. Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh băn khoăn, vì nhiều người phải đi làm nên khó có thể hỗ trợ con em học tập bằng hình thức này.
Giáo viên các trường giao bài tập cho học sinh làm tại nhà. |
Trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi. TS.Nguyễn Văn Hưng cho biết: “Học qua Internet, truyền hình là biện pháp mang tính chất “chữa cháy” trong lúc học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19. Phòng đã chỉ đạo các trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung chương trình và hướng dẫn HS thực hiện các buổi học qua Internet, truyền hình; phối hợp với phụ huynh có biện pháp quản lý hoạt động học tập của HS; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho các em”.
Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi cũng đã giới thiệu tiện ích dịch vụ MyTV và MyTV Net phục vụ việc học tập của HS qua truyền hình. Theo đó, chương trình học trực tuyến có trên các kênh VTV7, VTC8, VTC11, Hanoi1 và PTQ trên hệ thống truyền hình MyTV và ứng dụng MyTV Net. Ngoài ra, VNPT Quảng Ngãi cũng triển khai miễn phí phần mềm học trực tuyến VNPT-Elearning cho tất cả các trường để thầy, cô trao đổi bài giảng, ra bài tập và chấm điểm cho HS. Ngoài ra, các trường còn chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm giao bài cho HS qua Zalo, Facebook, cũng như nhiều giáo viên còn in bài và hẹn phụ huynh đến nhận bài.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) Đặng Thị Thanh Diệu đánh giá: “Việc tổ chức học qua Internet, truyền hình là nhằm mục đích bổ trợ kiến thức cho HS. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đó là HS tiểu học phải có sự hỗ trợ của phụ huynh. Trong khi đó, phần lớn phụ huynh phải đi làm nên không thể hỗ trợ con học theo những khung giờ nhất định. Hơn nữa, nhiều gia đình không có điều kiện để cho con học qua mạng Internet, thì giáo viên chủ nhiệm phải chủ động in bài tập và giao tận tay phụ huynh”.
Miền núi khó triển khai
Dù là lựa chọn cần thiết trong thời điểm dịch covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng trên thực tế việc triển khai dạy học qua Internet, truyền hình ở các huyện miền núi hiện rất khó khăn. Bởi theo nhiều thầy, cô giáo thì, để thu hút các em học trực tiếp đã khó, nên khi áp dụng biện pháp dạy học này hiệu quả không cao.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới, Phòng đã ban hành văn bản hướng dẫn các trường cung cấp tài khoản cho HS kết nối với máy tính, điện thoại để học tập. Tuy nhiên, nhiều em không có máy tính, điện thoại nên không thể triển khai đồng bộ. Các trường cũng hướng dẫn HS tham gia học tập tại các kênh truyền hình, nhưng phần lớn phụ huynh đi làm rẫy nên khó quản lý việc học của con em mình.
Trước những khó khăn trong việc triển khai dạy học qua Internet và trên truyền hình, Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây đã chỉ đạo các trường giao bài tập tận nhà cho từng HS. Theo đó, giáo viên định hướng theo sức học của mỗi HS để giao bài tập phù hợp, sau đó nhờ cán bộ thôn, khu dân cư chuyển đến từng em. "Sau hơn 2 tuần triển khai thực hiện giao bài đến tận nhà cho HS đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đây được xem là phương án khả thi nhất đối với địa phương, nhằm giúp HS củng cố lại kiến thức đã học và bổ sung một số kiến thức mới cho các em”, ông Giới nhìn nhận.
Tại huyện miền núi Minh Long, một số trường học cũng dần tìm ra các phương án phù hợp với thực tế của địa phương để giúp HS ôn tập trong thời gian nghỉ học tại nhà. Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Sơn (Minh Long) Phạm Thị Thúy Hà chia sẻ: “Toàn trường có 521 HS, trong đó có trên 90% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, nhà trường đã tổ chức họp và tập trung các tổ, khối để xây dựng chuyên đề như phiếu bài tập đối với các môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Tất cả các bài tập sẽ được giao cho trưởng các thôn để chuyển đến từng HS. Trong tuần đầu, giáo viên chủ yếu ôn lại kiến thức cơ bản; sang tuần thứ hai sẽ chú trọng bổ sung một số kiến thức mới cho HS”.
Chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá
Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học giao giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của HS thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học Internet; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS đối với dạy học trên truyền hình bằng hình thức phù hợp. Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học trên Internet, truyền hình được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá, xếp loại HS tiểu học, THCS, THPT.
|
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG