Ngành giáo dục miền núi "khó chồng khó" do ảnh hưởng Covid- 19

10:03, 31/03/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Chuyện dạy học trực tuyến hay học qua truyền hình ở các huyện miền núi gặp khó khăn hơn so với đồng bằng, với đặc thù là vùng có hạn chế về các thiết bị kỹ thuật, internet. Trong khi đó, ở miền núi, phụ huynh lại không có khả năng giám sát tốt việc học hành của con em. Dự báo sau khi học sinh trở lại trường, chuyện dạy và học ở đồng bằng khó một thì ở miền núi khó hơn gấp  2, 3 lần. 
 
Huyện Sơn Tây là địa phương có tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua, tiếp giáp với nhiều tỉnh, nhất là tỉnh Quảng Nam- nơi đã có những trường hợp dương tính với dịch Covid- 19. Vì thế, thời gian qua, huyện đã rất tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cùng với chính quyền địa phương, ngành giáo dục huyện nhà luôn đặt công tác phòng chống dịch lên hàng đầu. 
 
Khó triển khai học trực tuyến
 
Những ngày cuối tháng 3, trở lại với vùng đất Sơn Tây, cuộc sống của người dân vùng cao đã có sự đảo lộn lớn trước tình hình dịch bệnh. Từ các cơ quan hành chính nhà nước cho đến một bộ phận người dân đều có sự cẩn thận trong tiếp xúc với người lạ.
 
Duy nhất, chỉ có những đứa trẻ trong làng vẫn giữ được nét hồn nhiên của mình. Đây là kỳ nghĩ bất đắc dĩ, kỳ nghĩ Tết dài nhất trong lịch sử đối với các em.
 
Ngồi chơi ở góc sân, khi được đề cập đến câu chuyện có ôn bài cho trẻ trong mùa dịch này không, chị Đinh Thị Bút, ở thôn Huy Em, xã Sơn Mùa cho biết: “Sách vở bọn trẻ trong nhà nó làm rách hết rồi. Chuyện tự học đã khó, huống hồ gì là bảo chúng học bài trực tuyến hay qua truyền hình".
 
Nhiều phụ huynh ở miền núi cho biết, việc triển khai học trực tuyến hay học qua truyền hình rất khó khăn đối với học sinh miền núi.
Nhiều phụ huynh ở miền núi cho biết, việc triển khai học trực tuyến hay học qua truyền hình rất khó khăn đối với học sinh miền núi.
 
Cùng suy nghĩ với chị Bút, trên chuyến xe đến thôn Nước Min, xã Sơn Mùa, anh Đinh Văn Von hiện có 2 con đang học tiểu học và THCS, chia sẻ: "Học sinh miền núi đa số là gia đình khó khăn. Máy tính bàn, laptop, điện thoại thông minh không mấy ai có. Đó là chưa kể không phải nơi nào cũng lắp được chảo tivi hay bắt được mạng. Thầy cô liên lạc với phụ huynh vận động các em ra lớp, có khi còn mất sóng liên tục".
 
Toàn huyện Sơn Tây có khoảng 22 trường học với khoảng 454 giáo viên và trên 5.700 học sinh. Theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới, trong thời gian qua, kể từ khi nắm thông tin về tình hình dịch bệnh từ các cấp và sau khi có thông tin cho học sinh nghỉ học, phòng đã họp khẩn cấp các trường, tìm các hình thức ôn tập phù hợp với thực tiễn của từng trường. Qua đó, xét thấy chỉ có việc giao bài tập cho các em làm ở nhà là phương án khả thi nhất với miền núi. 
 
Bởi lẽ, đặc thù cuộc sống của người dân còn khó khăn. Nếu có phương tiện kỹ thuật, công nghệ hỗ trợ việc học, chưa chắc phụ huynh giám sát tốt việc học của con mình. Trình độ người dân còn hạn chế, hằng ngày vẫn ham đi nương rẫy kiếm tiền lo cuộc sống. Vì thế, đây là nỗi lo rất lớn của ngành giáo dục từ khi các em nghỉ học do dịch.
 
Khó chồng khó
 
Một thực tế, không chỉ khó khăn trong thời gian nghỉ học. Sau khi trở lại trường, nếu học sinh đồng bằng gặp khó khăn một thì ở miền núi khó khăn gấp 2,3 lần. 
 
Việc dạy Tiếng Việt rất quan đối với các em học sinh miền núi. Đặc biệt là các em ở lớp mầm non chuyển sang lớp 1. Tuy nhiên, nghỉ học dài ngày trong nhiều tháng nay dẫn đến công sức của thầy cô trong hơn học kỳ qua như bỏ phí. 
 
“Các em về với nơi mình sinh sống, chủ yếu dùng tiếng dân tộc mình, mà ít dùng tiếng Việt. Đó là một thiệt thòi lớn đối với các em. Khi các em trở lại trường, thầy cô phải vừa dạy kiến thức mới, vừa dạy thêm Tiếng Việt cho trẻ, áp lực rất lớn”, cô giáo Nguyễn Thị Trinh, 30 tuổi, một giáo viên mầm non ở xã Sơn Mùa bộc bạch.
 
Mặc khác, giáo viên miền núi với trình độ chuyên môn hạn chế hơn so với đồng bằng, thành phố, buộc phải nỗ lực gấp đôi để chương trình dạy và học bắt kịp tiến độ, vừa đảm bảo khối lượng lớn kiến thức. 
 
Cô giáo Trường mầm non Hoa Pơ- Niêng (xã Sơn Mùa) đến tận nhà phối hợp cùng phụ huynh, hướng dẫn việc học cho các em.
Cô giáo Trường mầm non Hoa Pơ- Niêng (bên phải) đến tận nhà phối hợp cùng phụ huynh, hướng dẫn việc học cho các em.
 
Cách đồng hành cùng học sinh miền núi như Trường mầm non Hoa Pơ- Niêng (xã Sơn Mùa) là một điển hình, sẽ khắc phục phần nào những khó khăn trên. Tình hình dịch diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý của giáo viên, học sinh nhà trường, trong khi chỉ trong khoảng thời gian ngắn nữa, trường đón bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia.
 
Trước tình hình đó, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Pơ- Niêng Lê Thị Thanh Nhị cho hay, nhà trường có tham mưu với phòng giáo dục và đào tạo, hằng tuần, các thầy cô giáo chia nhau đến khu vực mình phụ trách, phối hợp với trưởng thôn để tuyên truyền đến các phụ huynh, giáo viên về công tác phòng chống dịch bệnh, cũng như tự bảo vệ mình trong thời gian nghỉ học. Tìm cách phối hợp cùng phụ huynh, “ship” bài tập, hướng dẫn giúp các em ôn luyện kiến thức tại nhà. 
 
“Những ngày nghỉ do dịch, giáo viên nhà trường còn bận rộn và lo lắng hơn cho các em. Tuy nhiên, các cô giáo đều rất vui vẻ vì việc học hành của các em cũng được cải thiện phần nào, thuận lợi hơn sau khi trở lại trường”, cô Nhị nói.
 
Sẵn sàng vượt qua "đại dịch"
 
Thực hiện văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành giáo dục huyện Sơn Tây luôn nắm chắc số lượng học sinh, giáo viên đi khỏi địa phương và từ các vùng dịch trở về. Hiện có khoảng 6 em đang vắng mặt ở địa phương, chủ yếu là các em ra thăm người nhà ở Quảng Nam và xuống TP.Quảng Ngãi để làm thêm. Các trường đều theo dõi chặt chẽ, đồng thời vận động các em sớm trở về địa phương và phải thực hiện khai báo y tế đúng qui định.
 
Công tác phòng chống, ứng phó với dịch Covid- 19, các trường học ở miền núi đều thực hiện nghiêm túc.
Công tác phòng chống, ứng phó với dịch Covid- 19, các trường học ở miền núi đều thực hiện nghiêm túc.
 
Hầu hết các trường đã thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, trang bị xà phòng, các bồn rửa tay đảm bảo công tác dạy và học cho giáo viên, học sinh, luôn trong tâm thế sẵn sàng khi có thông báo đi học trở lại.
 
Đặc biệt, hầu hết các trường đều có phòng y tế đặc biệt hỗ trợ học sinh, giáo viên có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Đối với các trường mầm non, các giáo viên thường xuyên rửa sạch đồ chơi, một số đồ dùng học tập cũng như các dụng cụ nấu ăn ở nhà bếp mỗi tuần.
 
"Để thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo, ứng phó, cập nhật thông tin, Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây còn thành lập các nhóm zalo, facebook để tương tác thường xuyên với ban giám hiệu các trường, theo dõi chặt chẽ công tác phòng chống dịch mỗi ngày...”, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu

.