(Báo Quảng Ngãi)- Hàng trăm học sinh ở Trường THCS Nguyễn Trãi (Mộ Đức) thật sự xúc động và tự hào khi xem các câu chuyện lịch sử địa phương được dàn dựng biểu diễn bằng hình thức sân khấu. Nhiều em cho rằng, qua sân khấu hóa thì việc học môn Lịch sử không còn khô khan nữa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Học Lịch sử rất thú vị
Em Nguyễn Thị Ly Na, học sinh lớp 9D Trường THCS Nguyễn Trãi bộc bạch: "Thông qua buổi sinh hoạt ngoại khóa, em thấy môn lịch sử thật thú vị, không còn khô khan như trước. Những câu chuyện lịch sử được các bạn tái diễn trên sân khấu thật sinh động, giúp em dễ dàng hình dung sự tàn khốc của chiến tranh; hình ảnh của những anh hùng, lớp cha ông đi trước đã gan dạ xả thân vì quê hương, đất nước".
Một tiết mục tái hiện câu chuyện lịch sử địa phương bằng hình thức sân khấu hóa của học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (Mộ Đức). |
Với em Bùi Thị Kim Ngân (lớp 9C), trước đây thấy môn Lịch sử quá khó nên gắng học để đối phó. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia các chương trình học ngoại khóa môn Lịch sử, xem các tiết mục lịch sử địa phương được sân khấu hóa em rất thích thú với môn học này. Kim Ngân cho biết: “Với hình thức dạy lịch sử như thế này sẽ giúp em hiểu nhiều hơn về văn hóa, lịch sử quê hương mình”.
Cô giáo Trần Thị Phúc Nguyên, dạy môn Lịch sử Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết: "Giờ thì mình đã an tâm soạn chương trình bằng hình thức sân khấu hóa để truyền đạt kiến thức cho các em. Trước đây, dạy lịch sử theo lối truyền thống và minh họa bằng hình ảnh, nên các em ít chú ý bài giảng".
Là giáo viên dạy sử lâu năm, cô giáo Nguyên đã trăn trở nên đề xuất với trường thay đổi cách truyền đạt kiến thức lịch sử cho các em bằng việc đưa các em đến tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn, hoặc sân khấu hóa các câu chuyện lịch sử... Thông qua các hình thức này, nhà trường đã lồng ghép kiến thức lịch sử địa phương bằng trả lời câu hỏi, thuyết minh, dàn dựng các câu chuyện lịch sử, giới thiệu văn hóa, lịch sử truyền thống của quê hương Mộ Đức đến học sinh. Mỗi câu chuyện, tiết mục sinh động đã giúp các em dễ nhớ, dễ học hơn.
Nhân rộng phương pháp giảng dạy
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi Trần Thị Xuân Thuyền khẳng định: "Với hình thức sân khấu hóa câu chuyện lịch sử, hay hoạt động ngoại khóa ở các môn học sẽ giúp các em cởi mở, tiếp thu bài dễ dàng. Trong hai năm học qua, trường đã sân khấu hóa các môn học tiếng Anh, Địa lý, Lịch sử. Sắp đến, trường sẽ tổ chức hát dân ca bài chòi nhằm giúp các em nắm vững kiến thức văn hóa, lịch sử của quê hương".
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tài nhận định: "Hoạt động này rất phù hợp với yêu cầu thay sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT và với tinh thần Nghị quyết 29 của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và phát triển các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh".
Thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện Mộ Đức tiếp tục triển khai đến các trường THCS trên địa bàn huyện về phương pháp dạy học các môn xã hội bằng hình thức sân khấu hóa, nhằm giúp học sinh nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa và thực tế, đồng thời khơi gợi nguồn cảm hứng trong học tập...
Bài, ảnh: MAI HẠ