Không thả bóng bay trong ngày khai giảng - Thông điệp ý nghĩa

05:07, 27/07/2019
.
Bức thư của cô "tân" học trò lớp 6 Trường Marie Curie (Hà Nội) lập tức chạm tới mong muốn tốt đẹp của tất cả mọi người. Lễ khai giảng năm học này chắc chắn sẽ vắng nhiều chùm bóng bay sắc màu, nhưng không vì thế mà thiếu đi niềm vui, nụ cười. Thay vào đó, các học sinh Hà Nội sẽ nhận được bài học ý nghĩa.
 
Tự hào về cô học trò nhỏ!
 
Những học sinh Trường Marie Curie đã khá quen thuộc với hình ảnh thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang, mỗi khi đi trong sân trường thường dừng lại để nhặt từng mẩu rác bỏ vào thùng. Việc làm nhỏ của thầy đã gây xúc động đến nhiều thầy cô và học sinh về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chính thầy cũng không ngờ sẽ có ngày em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh chuẩn bị bước lớp 6 của Trường lại khiến mình xúc động đến thế.

 

  Các trường không thả bóng bay sẽ có những hoạt động thay thế, đem đến niềm vui trọn vẹn cho học sinh trong ngày khai giảng.
Các trường không thả bóng bay sẽ có những hoạt động thay thế, đem đến niềm vui trọn vẹn cho học sinh trong ngày khai giảng.
Trong lá thư viết ngày 24-7 gửi đến thầy Nguyễn Xuân Khang, Nguyệt Linh mạnh dạn nêu đề xuất nhà trường không thả bóng bay vào dịp lễ khai giảng tới để bảo vệ sự sống cho những sinh vật như chim, rùa biển nếu chúng vô tình nuốt phải xác bóng bay. 
 
Hạnh phúc và bất ngờ, bởi một học sinh vừa kết thúc bậc tiểu học đã biết nghĩ đến điều mà người lớn không nghĩ tới, ngay lập tức, thầy Nguyễn Xuân Khang đã gửi email hồi đáp khen ngợi “ý tưởng đẹp, rất đẹp và ý nghĩa sâu sắc” của cô học trò. 
 
Thầy khẳng định sẽ ủng hộ đề nghị của Linh. Lễ khai giảng sắp đến, trường sẽ không còn bóng bay thả lên trời, nhưng tất cả thầy trò vẫn sẽ vui hơn rất nhiều. 
 
“Thầy sẽ đặt tên cho lễ khai giảng năm học 2019-2020 là “Lễ khai giảng Nguyệt Linh” để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của con. Thầy hy vọng việc làm có ý nghĩa tốt đẹp của thầy trò chúng ta sẽ được nhiều nơi hưởng ứng… Thầy hạnh phúc vì con”, thầy Khang viết trong bức thư của mình. 
 
Còn với cô Trần Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 5M2 của Nguyệt Linh thì sẽ luôn nhớ thật nhiều kỷ niệm về cô học trò nhỏ siêu kiến thức về môi trường.
 
Cô Hà kể, Nguyệt Linh vốn rất yêu thiên nhiên và luôn được gia đình, nhà trường tạo điều kiện tham gia các hoạt động trải nghiệm. Sau những chuyến đi học làm gốm, tham quan phố cổ Hà Nội trên xe buýt 2 tầng hay tham gia các khóa học nhiếp ảnh…, Linh thường háo hức kể cho cô và các bạn trong lớp về kiến thức mình thu thập được. Linh đặc biệt thích viết, làm clip, video và các bài viết của em hay được chọn để đăng trên "tờ báo" nội bộ của trường.
 
“Ý thức bảo vệ môi trường cũng như kiến thức trong lĩnh vực này của Linh đặc biệt vượt trội so với các bạn cùng trang lứa. Khi cô giảng bài trên lớp về môi trường, ngoài lĩnh hội kiến thức trong sách vở, Linh còn hăng hái phát biểu để trao đổi thêm với các bạn về những kiến thức khoa học khác mà em đã học hỏi, trải nghiệm được”, cô Hà nhớ lại.
 
Đúng như dự đoán của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang, bức thư của Nguyệt Linh ngay lập tức đã “chạm” tới những mong muốn tốt đẹp của tất cả mọi người. Khi em mạnh dạn gửi bức thư của mình tới 40 trường học khác, em đã nhận được những “cam kết” hưởng ứng từ nhiều vị hiệu trưởng. Thậm chí, ngay những vị hiệu trưởng chưa được em gửi thư cũng khẳng định sẽ suy nghĩ về việc này.
 
Không thả bóng bay, niềm vui vẫn đong đầy
 
Dù chưa nhận được bức thư của Nguyệt Linh nhưng cô Hoàng Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Việt Nam – Cuba (quận Ba Đình) khi đọc thông tin trên báo đã lập tức bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với em. 
 
“Con còn nhỏ nhưng đã có những suy nghĩ thật đẹp, thật xa để bảo vệ môi trường. Mong muốn này của con khiến nhiều người lớn chúng ta phải suy nghĩ và sẽ học được ở con nhiều điều”, cô Hoàng Thị Lan Hương bày tỏ. 
 
Cũng theo cô Hương, hoạt động thả bóng bay trong mỗi dịp lễ khai giảng năm học mới vốn thể hiện nhiều ý nghĩa. Nó tượng trưng cho việc các thầy cô, cứ vào ngày tựu trường lại cùng nguyện ước sẽ là người chắp cánh cho những ước mơ của các con bay cao, bay xa hơn.
 
"Và ước mơ của Nguyệt Linh thật đẹp nên không chỉ có một người, một trường ủng hộ, mà chắc chắn cả cộng đồng sẽ ủng hộ, chắp cánh ước mơ của em”, cô Hoàng Thị Lan Hương bày tỏ. 
 
Cô Lê Thủy Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thái (Tây Hồ) cho biết, không thả bóng bay cũng là một việc làm hết sức thiết thực, có giá trị giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh khác, ở bất cứ độ tuổi nào. 
 
Khẳng định Trường Tiểu học Tràng An năm nay sẽ không thả bóng bay trong ngày khai trường, Hiệu trưởng Lê Minh Sơn cho rằng, sau niềm vui mà các con nhận được từ chùm bóng bay được thả lên bầu trời là nhiều tác hại khôn lường. Bức thư của Nguyệt Linh cũng là mong muốn của tất cả những người đang có ý thức bảo vệ môi trường, mong muốn xây dựng một môi trường xanh - sạch - đẹp hơn cho Thủ đô. 
 
Chia sẻ với HNMO, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng tỏ ra khá bất ngờ và vui mừng về ý tưởng tuyệt vời của một học sinh nhỏ tuổi. Trên cương vị quản lý ngành, Sở luôn đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Học sinh Hà Nội, bằng những việc làm, hành động cụ thể, đã cho thấy các em ngày càng biết quan tâm đến thế giới xung quanh, biết giữ gìn môi trường sống từ trong gia đình, nhà trường, khu phố đến nhiệt tình hưởng ứng, tham gia các chương trình nhặt rác, dọn vệ sinh nơi công cộng...
 
Lá thư của Nguyệt Linh chắc chắn sẽ tạo được sự cộng hưởng, lan tỏa mạnh mẽ để vào ngày 5-9 tới, sẽ có rất nhiều trường không thả bóng bay. Thay vào đó, các trường sẽ chủ động tổ chức các hoạt động ý nghĩa thay thế, giúp học sinh vẫn có trọn vẹn niềm vui mà không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào tới môi trường. 
 
Theo Hà Nội mới
 
Các trường không thả bóng bay sẽ có những hoạt động thay thế, đem đến niềm vui trọn vẹn cho học sinh trong ngày khai giảng.

.