Các trường bán trú ở huyện Sơn Tây: Cơ sở vật chất còn thiếu thốn

04:07, 27/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, huyện Sơn Tây đã đầu tư cơ sở vật chất để thành lập và đưa vào hoạt động đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) trên địa bàn. Tuy nhiên, tại một số điểm trường, cơ sở vật chất vẫn còn thiếu nhiều trang thiết bị cần thiết.

TIN LIÊN QUAN

Thiếu bàn ăn, chỗ ngủ

Trường PTDTBT THCS Sơn Long (xã Sơn Long) là một trong những trường bán trú được thành lập đầu tiên của huyện Sơn Tây. Thế nhưng, do thiếu nhà kho nên việc cất giữ gạo, thức ăn và các vật dụng khác được các thầy cô chia nhỏ để ở phòng công vụ, hoặc phòng sinh hoạt đội.

Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Sơn Long Nguyễn Thị Minh Hoa cho biết: Đối với trường học bán trú, ngoài đảm bảo điều kiện “trọ” học cho học sinh, thì việc quản lý, giáo dục rất quan trọng. Nếu phòng ở đảm bảo, thì việc quản lý sẽ thuận tiện hơn.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Sơn Long (Sơn Tây) được nghỉ ngơi, học tập tại điểm trường bán trú.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Sơn Long (Sơn Tây) được nghỉ ngơi, học tập tại điểm trường bán trú.

 

Còn tại Trường PTDTBT TH Sơn Mùa, dù ở trung tâm huyện, song trường còn thiếu nhà ăn, phòng trực bán trú, khu vệ sinh và 4 phòng ở bán trú. Điều này gây khó khăn cho nhà trường trong việc vận động nhân dân đưa trẻ ra lớp học bán trú. Theo nhiều thầy cô giáo của trường, nếu tình trạng thiếu thốn phòng ở kéo dài sẽ làm cho các em học sinh khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến việc "giữ chân" các em ở lại trường.

5,041 tỷ đồng là số tiền mà ngành giáo dục huyện Sơn Tây đã đầu tư để thực hiện việc dạy và học bán trú trong giai đoạn 2016 - 2018. Trong đó, kinh phí đầu tư cho việc xây dựng trường PTDTBT là gần 4,3 tỷ đồng; số còn lại chi cho hoạt động của các trường. Ngoài ra, có hơn 163 tấn gạo được cấp phát cho học sinh để các em ăn học.

Cần tăng cường đầu tư

Đầu tư xây dựng trường bán trú để đảm bảo việc dạy và học của hàng nghìn học sinh được địa phương hết sức quan tâm. Tuy nhiên, với “sức lực” của một huyện nghèo miền núi, nên việc đầu tư vẫn còn hạn chế.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới cho biết: Được sự quan tâm của Sở GD&ĐT, UBND huyện và các ban, ngành liên quan, phòng đã triển khai thực hiện công tác bán trú đạt được kết quả.

Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, một số công trình phục vụ cho việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh chưa đảm bảo như: Chưa đủ phòng ở cho học sinh, nên số lượng học sinh ở trong 1 phòng đông, chật chội, diện tích nhà ăn, bếp ăn hẹp, hệ thống nhà vệ sinh xuống cấp. Một số trường chưa đủ phòng học để thực hiện việc dạy học 2 buổi/ ngày.

“Để đảm bảo công tác dạy bán trú diễn ra thuận lợi và tiến đến mục tiêu phổ cập bậc THCS trên địa bàn huyện, thì cần đầu tư hoàn thiện hạ tầng trường lớp, nhà bán trú, nhà ăn, nhà vệ sinh... với số tiền khoảng 10 tỷ đồng.

Trong đó, trước hết là lo nơi ăn, chốn ngủ cho các em, để năm học mới 2019 - 2020 bắt đầu, thì phòng học, trường lớp, bàn ghế đã có đầy đủ. Có như vậy, công tác trồng người ở miền núi mới thực sự mang lại hiệu quả. Hiện nay, nếu chưa có nguồn lực đầu tư, thì UBND tỉnh, ngành giáo dục cần bố trí vốn để xây dựng phòng ở, phòng sinh hoạt cho các em trước”, ông Giới kiến nghị.


Bài, ảnh: NGỌC QUANG

 

.