Bộ GD-ĐT đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất

02:07, 11/07/2019
.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Minh cho biết, thống kê năm 2018 cho biết cả nước có 17 tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) với quy mô lớn (từ 50.000 công nhân trở lên), kéo theo số lượng lớn người nhập cư và nhu cầu an sinh xã hội. Trong đó, bậc học chịu áp lực nhiều nhất là mầm non.

Sáng 11-7, tại Hội thảo tham vấn chính sách giáo dục mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất do Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Minh cho biết, thống kê năm 2018 cho biết cả nước có 17 tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) với quy mô lớn (từ 50.000 công nhân trở lên), kéo theo số lượng lớn người nhập cư và nhu cầu an sinh xã hội. Trong đó, bậc học chịu áp lực nhiều nhất là mầm non.
Hiện nay, trường công lập mới đáp ứng được nhu cầu gửi con của người dân trên địa bàn, trong khi các trường tư thục đảm bảo chất lượng lại có mức học phí cao nên công nhân, người lao động phải gửi con vào các nhóm lớp độc lập, tư thục. Loại hình này đang tồn tại nhiều khó khăn như: tình hình giáo viên, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, địa phương chưa kiểm soát nổi sự bùng nổ nhanh chóng của loại hình này. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ bạo hành, mất an toàn cho trẻ.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trước thực tế đó, các bộ, ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển trường mầm non nhưng chưa đủ mạnh. Luật Giáo dục (vừa ban hành năm 2019) sau khi được thông qua đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc phát triển giáo dục mầm non nói chung và phát triển các trường mầm non ở khu vực có KCN-KCX.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Tài chính và một số bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo chính sách phát triển giáo dục mầm non ở khu vực có KCN-KCX. Trong đó, nhiều đề xuất đang được lấy ý kiến rộng rãi từ các địa phương như hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn trưa cho trẻ, áp dụng chính sách đặc thù đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như khoản chi cho các hoạt động giáo dục mầm non của doanh nghiệp được tính vào chi phí khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập, được ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận phục vụ con công nhân, miễn tiền thuê đất...
 
Ngoài ra, dự thảo chính sách cũng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập như được hỗ trợ 50% mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động hoặc hàng tháng được hỗ trợ một khoản thu nhập bằng 50% mức lương cơ sở/người/tháng.

Các mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và giáo viên hợp đồng giảng dạy.  

Cũng tại hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Phú Quý, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, hiện nay số lượng trường mầm non ở các KCN-KCX trên cả nước còn thấp, trong đó số lượng trường tư thục chiếm hơn 60%.

Năm 2018, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã thực hiện khảo sát đối với 184 giáo viên, người giữ trẻ ở các KCN-KCX tại huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức (TPHCM) và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Kết quả khảo sát cho thấy, có 12 nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ mầm non tại các nhóm trẻ mầm non tư thục. Trong đó, hai nguyên nhân được nhiều giáo viên lựa chọn nhất là áp lực từ phía cha mẹ, người quản lý về thể trạng của trẻ và áp lực từ xã hội (cùng chiếm tỷ lệ 96,2% người được khảo sát lựa chọn).

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng được giáo viên lựa chọn gồm: khối lượng công việc quá nhiều, công việc đòi hỏi trách nhiệm cao, thu nhập chưa tương xứng với khối lượng công việc, số lượng trẻ trong lớp quá đông, thiếu sự kiểm tra, quản lý chặt chẽ của các cấp quản lý, thiếu trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ...

Riêng về nhóm nguyên nhân chủ quan, có 86,1% giáo viên cho rằng dễ bị căng thẳng trong môi trường ồn ào, 81,9% tự đánh giá chưa biết cách xử lý khi trẻ gây mất trật tự, không tập trung, bướng bỉnh.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân chủ quan khác như giáo viên chưa có đủ kiến thức về các nhu cầu tâm lý, dinh dưỡng của trẻ, chưa biết được tác hại nghiêm trọng của việc gây tổn thương trẻ đối với sự phát triển trong tương lai của trẻ, tính chất công việc không liên quan đến chuyên ngành được học...

Từ thực tế đó, 80,2% giáo viên mong được tạo môi trường làm việc thoải mái, 80,1% giáo viên muốn được giảm tải bớt các hồ sơ, sổ sách không cần thiết để giảm áp lực công việc cho người chăm sóc trẻ, 77,4% giáo viên đề xuất được tăng cường bồi dưỡng kỹ năng quản lý các hành vi của trẻ...

Theo THU TÂM/SGGPO


 


.