Kỹ sư người K’dong đầu tiên

01:06, 11/06/2009
.
Từ nhiều năm qua, huyện Sơn Tây đã cử tuyển hàng chục học sinh người K’dong vào các trường đại học, nhưng phần lớn đều rơi rụng. Đinh Văn Tre là người đi đến đích, trở thành kỹ sư nông học đầu tiên của dân tộc mình kể từ sau ngày tách huyện.

 

Từ nhiều năm qua, huyện Sơn Tây đã cử tuyển hàng chục học sinh người K’dong vào các trường đại học, nhưng phần lớn đều rơi rụng. Đinh Văn Tre là người đi đến đích, trở thành kỹ sư nông học đầu tiên của dân tộc mình kể từ sau ngày tách huyện.
Đinh Văn Tre đang trao đổi về mức giá đền bù cho người K'dong.
Đinh Văn Tre (1982) ở   thôn Ya Ruông (tức Xà Ruông) xã Sơn Tinh. Làng Tre ở có thác Lụa, ồn ào quanh năm nên đồng bào K’dong đặt luôn tên làng mình là Ya Ruông, tức "con nước ồn ào". Là con lớn trong gia đình nông dân có 4 anh em, như bao đứa trẻ K’dong khác, Đinh Văn Tre vừa lao động một buổi giúp cha mẹ, một buổi đến trường.

 

Nếu Sơn Tây là huyện xa nhất của tỉnh thì Sơn Tinh lại là xã xa nhất của huyện Sơn Tây. Thế mà Tre đã vùng thoát khỏi cái nơi  ấy để đến trường huyện sau khi đã qua các lớp ở trường làng. Học "hết chữ" trường huyện, Tre lại lên đường lần nữa để về học ở Trường Nội trú Dân tộc tỉnh. Năm 2003 Tre được cử tuyển ra học tại Trường đại học Nông nghiệp Huế. Được hưởng chế độ cử tuyển vừa là thuận lợi nhưng cũng là thử thách lớn với Tre. Cả miền Trung- Tây Nguyên khóa học ấy có 19 học sinh thuộc diện cử tuyển nhưng sau một năm học dự bị, đã rụng hết 9 em rồi. Tre là một trong 6 em của khóa học đó được vào chính thức sau kỳ thi sát hạch toát mồ hôi.

 

Ngày Tre nhận giấy gọi nhập học, ông Đinh Văn Rú (bố Tre) cầm tờ giấy đi khoe cả làng, dù làng Ya Ruông của ông chẳng mấy người đọc được chữ. Hành trang mà Tre mang theo để nhập học, ngoài hai bộ quần áo cũ, còn có thêm  vài trăm ngàn lận túi. Dù đã được miễn giảm tất cả, từ học phí đến chỗ ở nội trú, nhưng ăn tiêu hàng ngày thì chẳng ai miễn cho con em đồng bào thiểu số cả. Tre nói với tôi rằng, trong suốt 5 năm ở Huế, anh chưa một lần đặt chân vào bên trong Đại Nội, chứ đừng nói đến việc đi chơi ở các lăng vua, dù trường Tre học chỉ cách Đại Nội chừng 500m! Mỗi lần về Tết, về hè, Tre phải đi bộ từ thị trấn Di Lăng để về Ya Ruông, quãng đường dài đến 18 cây số, vì không có tiền để thuê xe ôm.

 

Mùa hè năm ngoái, Tre tốt nghiệp đại học, trở thành kỹ sư nông học đầu tiên trong cộng đồng người K’dong. Cầm tấm bằng đại học trên tay, Tre "đánh liều" vào gõ cửa Phòng Nông nghiệp huyện để xin việc. Lãnh đạo phòng phải xin ý kiến của Ủy ban huyện vì kẹt biên chế. Hay tin có một kỹ sư người K’dong đến xin việc, ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây "lệnh" cho thuộc cấp: "Nếu anh ta là người K’dong chính hiệu, các anh phải nhận ngay, biên chế sẽ tính sau!". Đinh Văn Tre  trở thành "người Nhà nước" ngay từ hôm đó.

 

Bây giờ có tuyến đường Đông Trường Sơn xuyên qua Sơn Tây, kỹ sư Đinh Văn Tre trở thành "người phiên dịch chính" trong việc cân đong đo đếm từng cây cau, buồng chuối, từng mét vuông nương rẫy của người K’dong để đền bù cho họ. Tất bật là vậy, chàng kỹ sư nông học này vẫn không quên dự định đã ấp ủ từ khi rời làng: Tìm một giống cây phù hợp và trồng đại trà ở Sơn Tây để người K’dong quê anh khỏi phải bận lòng với miếng cơm manh áo như lâu nay nữa. Chưa biết đó sẽ là cây gì, song với một con người dám bước qua mọi rào cản như Tre, tôi tin là anh sẽ tìm được.

                                 TRẦN ĐĂNG

.