Đa dạng kênh phân phối hàng Việt

10:12, 03/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini... đã trở thành kênh phân phối hàng Việt hiệu quả, giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn khi mua sắm. Không những vậy, các điểm bán hàng này còn góp phần nâng cao vị thế hàng Việt, thúc đẩy thị trường nội địa phát triển.
 
[links()]
 
Kết nối tiêu thụ hàng nội địa
 
Thành lập được hơn 2 năm, cửa hàng thực phẩm sạch DalatMart, trên đường Hai Bà Trưng (TP.Quảng Ngãi), đã trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy cho người nội trợ. Chị Quỳnh Nhi, chủ cửa hàng chia sẻ, sau nhiều năm tìm hiểu về nông sản, thực phẩm hữu cơ, chúng tôi đã liên kết được với các đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm hữu cơ có uy tín trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, cửa hàng có hơn 200 mã hàng; trong đó, chủ yếu là các loại nông sản được sản xuất tại các hợp tác xã, vùng rau hữu cơ... Việc kết nối tiêu thụ vừa tạo được nguồn cung thực phẩm ổn định cho hoạt động kinh doanh của cửa hàng, vừa hỗ trợ người dân, các hộ sản xuất về khâu tiêu thụ sản phẩm.
 
Cửa hàng thực phẩm sạch DalatMart (TP.Quảng Ngãi) chuyên kinh doanh thực phẩm hữu cơ và đặc sản vùng miền.  Ảnh: Trung Ân
Cửa hàng thực phẩm sạch DalatMart (TP.Quảng Ngãi) chuyên kinh doanh thực phẩm hữu cơ và đặc sản vùng miền. Ảnh: Trung Ân
Tại siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi, hàng hóa nhãn hiệu Việt hiện chiếm hơn 90%. Hằng năm, vào tháng 8 và 9, siêu thị đều tổ chức Chương trình “Tự hào hàng Việt”, giảm giá cho hơn 2.000 sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, với mức giảm giá từ 20 - 80%.  Giám đốc siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi Lê Hồng Ca cho hay, không chỉ nỗ lực cung cấp hàng Việt tại hệ thống siêu thị, mỗi năm Co.opmart Quảng Ngãi còn tổ chức nhiều chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn. Những mặt hàng mang đi phục vụ người dân là hàng tiêu dùng thiết yếu của các doanh nghiệp trong nước, đã được giảm giá cùng nhiều quà tặng kèm theo.
 
Chuyên kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo, bà Nguyễn Thị Thuý, chủ cửa hàng ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) cho biết, hiện cửa hàng kinh doanh các sản phẩm được sản xuất trong nước. Tôi chọn cung cấp hàng Việt vì giá cả hợp lý, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo, nhờ vậy mà được nhiều khách hàng ủng hộ.
 
Tạo nguồn lực phát triển
 
Vừa qua, Sở Công thương đã hướng dẫn, hỗ trợ và thông tin cho các doanh nghiệp trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ như: Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Đồng bằng Bắc Bộ năm 2022; Hội chợ Công nghiệp - Thương mại - Du lịch và sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu năm 2022; Hội chợ Công thương Đồng bằng sông Hồng-Vĩnh Phúc 2022; Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 22 tại Hà Nội... Nhờ các chương trình hợp tác, xúc tiến thương mại và sự nỗ lực của doanh nghiệp đã khuyến khích các thành phần kinh tế của địa phương liên kết, mở rộng kênh phân phối, thu mua, chế biến, tiêu thụ hàng hóa. Trong 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 42,186 nghìn tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước.
 
Theo Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Kiều Văn Dũng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh không thiếu sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhiều sản phẩm đã khẳng định được "Thương hiệu Quốc gia". Do đó, để hàng hóa nói chung, các loại nông sản, đặc sản nói riêng có thể phát triển mạnh hơn ở siêu thị thì doanh nghiệp, nhà sản xuất, hợp tác xã cần nỗ lực quảng bá, giới thiệu hàng hóa đến nhà phân phối để kết nối. Đồng thời, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, thiết kế bao bì sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; đặc biệt phải xây dựng và đảm bảo sản phẩm mang tính thương mại đáp ứng nhu cầu của thị trường, tiêu chuẩn nhà phân phối...
 
Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tham gia những chương trình giao thương trong và ngoài tỉnh, giúp quảng bá, cung ứng hàng hóa rộng khắp hơn. Cùng với đó là tạo điều kiện để các siêu thị, hệ thống bán lẻ, các nhà phân phối hàng hóa liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, nhà sản xuất trên địa bàn tạo chuỗi liên kết, cung ứng hàng hóa...
 
TRUNG ÂN
 

.