Lan tỏa phong trào 'nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi'

01:10, 06/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG); đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã lan tỏa sâu rộng. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
[links()]
 
Toàn tỉnh hiện có gần 200 nghìn hội viên, sinh hoạt tại 948 chi hội và 2.934 tổ hội. Giai đoạn 2017 - 2021, toàn tỉnh có trên 540 nghìn hội viên, nông dân đăng ký thực hiện phong trào thi đua nông dân SXKDG các cấp. Qua bình xét có hơn 361,5 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp; trong đó, cấp tỉnh có 6.685 hộ, cấp trung ương có 306 hộ. Số hộ này có mức thu nhập bình quân đạt khá cao, từ 290 - 430 triệu đồng/người/năm. 
 
                               Dám nghĩ, dám làm
 
“Chịu khó học hỏi, mạnh dạn đầu tư và phải quyết tâm thoát nghèo, thì mình sẽ tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình và tiềm năng của địa phương”, đó là chia sẻ của bà Đinh Thị Bằng (55 tuổi), ở xã Sơn Mùa - một trong những điển hình thoát nghèo của huyện Sơn Tây. 
 
Nhìn căn nhà khang trang, tiện nghi đầy đủ, vườn nhà sạch sẽ, đàn gia súc, gia cầm hàng trăm con cùng hàng chục héc ta rừng, ít ai biết rằng hơn 10 năm trước, bà Bằng là một trong những hộ nghèo của xã Sơn Mùa.
 
Bà Bằng kể, trước năm 2010, gia đình tôi khó khăn lắm. Dù làm quần quật nhưng vẫn rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, lẩn quẩn với đói nghèo. Nhìn các con nheo nhóc, suy dinh dưỡng, bà Bằng trăn trở và quyết tâm phải thoát nghèo để “con cái được ăn no, mặc đẹp”.
 
Trăn trở và suy tính, bà Bằng “khởi nghiệp” với chăn nuôi gia súc, gia cầm, mà mục tiêu ban đầu là cải thiện bữa ăn cho gia đình. Nhờ mạnh dạn thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển từ nuôi thả rông sang làm chuồng nhốt, cộng với áp dụng quy trình chăm sóc bài bản, nên đàn gia súc, gia cầm của bà Bằng phát triển tốt, ít mắc bệnh.
 
Ông Đỗ Văn Được (bên trái), nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá mú trân châu với người dân tổ dân phố Thạch By 2, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).
Ông Đỗ Văn Được (bên trái), nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá mú trân châu với người dân tổ dân phố Thạch By 2, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).
 
Nguồn thu nhập có được từ chăn nuôi, cộng với vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân, bà Bằng đầu tư trồng cau, phát triển rừng theo hướng xen canh cây keo với cây gỗ lớn. Sau 10 năm nỗ lực vượt khó, đến nay gia đình bà Bằng thu “quả ngọt”, với doanh thu mỗi năm không dưới 200 triệu đồng.
 
Cuộc sống ngày càng khấm khá, bà Bằng tích cực chia sẻ kinh nghiệm, cũng như hỗ trợ vốn, cây, con giống giúp nhiều nông dân ở địa phương cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
 
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Võ Tấn Lãm cho biết, từ phong trào thi đua SXKDG đã có nhiều nông dân tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, thúc đẩy nông dân thay đổi mạnh mẽ tư duy, phương thức sản xuất cũng như mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, góp phần tăng giá trị sản xuất sau thu hoạch từ 65 triệu đồng/ha/năm 2017 lên 80 triệu đồng/ha/năm 2022. Trong đó có trên 1.600ha đạt giá trị sau thu hoạch từ 100 - 300 triệu đồng/ha/năm.
 
                         Đồng hành cùng nông dân
 
Xác định trợ vốn cho hội viên nông dân là mục tiêu hàng đầu để tạo đòn bẩy cho nông dân tham gia SXKDG, thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh phối hợp với các tổ chức tín dụng nhận ủy thác, tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế.

“Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Họ cũng là hạt nhân dẫn dắt, hỗ trợ, giúp nhiều hội viên ngày càng khá giả, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển hạ tầng nông thôn ngày càng khởi sắc”.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh        VÕ TẤN LÃM

Đến cuối tháng 8/2022, tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh có trên 14 nghìn hộ vay vốn, tổng dư nợ 1.398 tỷ đồng. Còn tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có hơn 31,3 nghìn hộ vay, tổng dư nợ gần 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân cũng đã “tiếp sức” cho 2.346 hộ vay, với tổng dư nợ gần 75 tỷ đồng. 

 
Bên cạnh đó, hội nông dân các cấp cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức cung ứng 3.000 tấn phân bón trả chậm, tổng giá trị trên 32 tỷ đồng, tạo điều kiện cho nông dân tổ chức sản xuất...
 
Giai đoạn 2022 - 2026, hội nông dân các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tăng cường các hình thức liên kết với doanh nghiệp, nhằm mở rộng quy mô sản xuất, gắn với xây dựng thương hiệu để tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị hàng hóa có giá trị cao. 
 
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ cũng như đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
 
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 

.