(Báo Quảng Ngãi)- Điều kiện sản xuất nghiêm ngặt, yêu cầu quy trình thâm canh cao nên rau an toàn có năng suất thấp, dẫn đến sản lượng không nhiều, chủng loại không đa dạng. Tuy vậy, trên thị trường lại xuất hiện nhiều loại rau an toàn, nhưng thông tin liên quan đến nguồn gốc sản phẩm thì sơ sài.
[links()]
Nhiều dự án chết yểu
Giai đoạn 2016 - 2021, trên địa bàn tỉnh có hàng chục dự án (DA) sản xuất và kinh doanh rau, củ, quả an toàn được ngành chức năng cấp phép, với diện tích sử dụng hàng trăm héc ta, tập trung ở huyện Mộ Đức. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các DA trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn đều... chết yểu.
Hiện chỉ còn DA do Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe triển khai thực hiện với diện tích 5ha tại thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhưng cũng trong tình trạng nửa vời!
Theo kết quả kiểm tra của UBND huyện Tư Nghĩa về thực tế sản xuất rau an toàn của đơn vị này thì, các hạng mục phục vụ yêu cầu sản xuất rau an toàn chỉ được đầu tư khoảng 45 - 50%. Cụ thể, nhà lưới râm gần 2.700m2/5.000m2, nhà lưới phun sương gần 2.100m2/5.000m2. Ngoài ra, nhà lưới phun sương, nhà lưới che bạt thì bị hư hỏng...
Trong khi nhiều DA chết yểu hoặc sản xuất cầm chừng, thì sản lượng và chủng loại rau an toàn được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị với sản lượng dồi dào, chủng loại phong phú. Theo lý giải của chủ các cửa hàng kinh doanh rau an toàn, thì chỉ một số mặt hàng rau ăn lá được sản xuất trong tỉnh; còn phần lớn các loại rau, củ, quả được nhập từ TP.Đà Lạt (Lâm Đồng).
Người dân xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) sản xuất rau an toàn. |
Các sản phẩm này đều được dán tem VietGAP, GlobalGAP... với giá bán cao gấp 2 - 3 lần so với ngoài chợ. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng thử quét mã QR được dán trên sản phẩm, thì chỉ xuất hiện tên sản phẩm, nơi sản xuất và hướng dẫn sử dụng... chứ không có thông tin về quy trình sản xuất, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, đóng gói, vận chuyển.
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) cho biết, tôi mua các sản phẩm có dán tem, nhãn VietGAP tại một số cửa hàng là vì niềm tin, chứ thật sự chưa yên tâm về chất lượng. Quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP thường phải theo quy luật “mùa nào loại ấy” để hạn chế sâu bệnh; mã QR có đầy đủ thông tin nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất, thu hoạch, tiêu chuẩn... Nhưng nhiều sản phẩm được bán tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh rau an toàn trên địa bàn tỉnh thì chưa đáp ứng điều kiện này.
Cần tăng cường quản lý
Theo quy định, trước khi rau an toàn được xuất bán, lực lượng chức năng phải kiểm tra và trực tiếp giám sát việc dán tem, nhãn lên sản phẩm. Nhưng thực tế thì chủ yếu là các hộ trồng rau hoặc đơn vị phân phối tự dán tem, nhãn.
Luật An toàn vệ sinh cũng bộc lộ những kẽ hở, đó là chỉ quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh, chứ không yêu cầu có giấy chứng nhận VietGAP.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, việc quản lý và kiểm soát rau an toàn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, làm mất niềm tin người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín của những cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh chân chính.
"Để chấn chỉnh tình trạng này, cần sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các ngành nông nghiệp, công thương và chính quyền các địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Chú trọng đầu tư vùng sản xuất gắn với tăng cường sự phối hợp liên kết tiêu thụ, để rau an toàn từ ruộng tới tay người tiêu dùng. Các bộ, ngành trung ương cũng cần xem xét điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, VietGAP...", ông Phương kiến nghị.
Bài, ảnh:
MỸ HOA