Để ngành nông nghiệp bứt phá đi lên

07:09, 24/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng thu hút nhà đầu tư và liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến  chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của ngành.
 
[links()]
 
Hợp tác với doanh nghiệp 
 
Vụ sản xuất đông xuân 2019 - 2020, có 50 hộ dân ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) liên kết với Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy), Công ty CP Đường Quảng Ngãi, triển khai sản xuất thử nghiệm đậu nành, với diện tích gần 5,4ha. Sau 3 tháng chăm sóc, đậu nành đạt năng suất từ 1,5 - 1,6 tạ/sào. Ông Nguyễn Tấn Lạc, ở xã Hành Tín Tây cho biết, cây đậu nành dễ trồng, dễ chăm sóc, ít tốn công và chi phí, nhưng năng suất và giá bán cao. Yên tâm nhất là giống và sản phẩm đều được Vinasoy cung ứng, bao tiêu. Vì vậy, tôi cũng như nhiều nông dân xã Hành Tín Tây sẵn sàng chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất rau màu ven sông Vệ sang trồng đậu nành.
 
Vinasoy hiện đang gặp khó khăn trong xây dựng vùng nguyên liệu tại Quảng Ngãi.
Vinasoy hiện đang gặp khó khăn trong xây dựng vùng nguyên liệu tại Quảng Ngãi.
Không chỉ xã Hành Tín Tây, từ vụ đông xuân 2016 - 2017 đến nay, Vinasoy đã liên kết với nông dân các xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), Tịnh Giang (Sơn Tịnh), Đức Hiệp (Mộ Đức), Bình Trung (Bình Sơn)... trồng thử nghiệm cây đậu nành trên đất bãi bồi dọc sông Vệ, Trà Khúc, Trà Bồng... Điều kiện thổ nhưỡng tại các khu vực này phù hợp với cây đậu nành, cộng với nông dân tiếp cận nhanh và thuần thục kỹ thuật trồng, chăm sóc nên năng suất đậu nành đạt từ 1,5 - 1,7 tạ/sào (đối với trồng chuyên canh) và 1,1 - 1,2 tạ/sào (đối với trồng xen canh), cao hơn rất nhiều so với một số vùng nguyên liệu của Vinasoy.
 
Còn với Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi (Mộ Đức), đã trở thành điểm sáng trong tiêu thụ nông sản hiệu quả, thông qua chuỗi liên kết sản xuất với nông dân. Vùng nguyên liệu của trang trại đã và đang được mở rộng, với khoảng 6.000 hộ dân tham gia sản xuất trên diện tích 620ha tại các địa phương trong tỉnh, đảm bảo cung cấp mỗi năm khoảng 24 nghìn tấn bắp sinh khối và 2 nghìn tấn rơm rạ. Điều này không chỉ giúp Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi chủ động được nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn phục vụ khoảng 4.000 con bò, mà còn mang lại niềm vui cho người dân tham gia liên kết.
 
Ông Nguyễn Văn Bé, ở xã Đức Hòa (Mộ Đức) cho biết, công và chi phí chăm sóc cây bắp sinh khối thấp nhưng năng suất cao, giá bán ổn định nên người trồng bắp sinh khối có lãi. Với lại, Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi thực hiện đúng cam kết với nông dân, nên tôi yên tâm mở rộng diện tích trồng bắp sinh khối, cũng như liên kết nuôi bò sữa trong thời gian sắp tới.
 
Còn nhiều rào cản...
 
“Rủi ro chia sẻ, lợi nhuận hài hòa. Đây không chỉ là định hướng nhân văn, mà còn là mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân phát triển ngành nông nghiệp cả về quy mô và trình độ sản xuất, gắn với phân phối kết quả lao động một cách công bằng và hợp lý. Về phía tỉnh sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách nhằm phát huy nguồn lực đất đai, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp”.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh
TRẦN PHƯỚC HIỀN

Từ những kết quả bước đầu trong việc trồng thử nghiệm đậu nành, nông dân, chính quyền địa phương và DN đều mong muốn diện tích sẽ được mở rộng, tiến đến hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Nhưng đến vụ sản xuất 2020 - 2021, việc liên kết giữa nông dân xã Hành Tín Tây và Vinasoy phải dừng lại. Nông dân phản ánh, DN không thực hiện chính sách hỗ trợ như giai đoạn thử nghiệm. Trong khi đó, Vinasoy cho rằng có nhiều rào cản trong quá trình sản xuất dẫn đến đứt gãy chuỗi liên kết. Đó là việc người dân không thực hiện đúng cam kết với DN, thiếu chuyên nghiệp trong sản xuất, dẫn đến việc chuyển đổi cây trồng để chạy theo thị trường, diện tích sản xuất nhỏ lẻ nên ứng dụng cơ giới hóa khó khăn, khiến chi phí sản xuất tăng cao. Vì vậy, dù có nhà máy sản xuất sữa nhưng toàn tỉnh hiện chỉ có... 10ha đậu nành!

 
Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy Lê Hoàng Duy, điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng tại Quảng Ngãi khá phù hợp với cây đậu nành. Vinasoy xác định Quảng Ngãi sẽ là nơi sản xuất hạt giống đậu nành trọng điểm nên sẽ tập trung đầu tư, đảm bảo lượng giống cung cấp cho các vùng nguyên liệu khu vực Tây Nguyên.
 
Đối với Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi, hoạt động từ tháng 10/2020 với quy mô đàn bò 4.000 con, sản lượng sữa tươi 45 tấn/ngày cùng hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại... Tuy nhiên, đến thời điểm này DN vẫn chưa nhận được thông báo quyết định cho thuê đất, nên gặp nhiều trở ngại trong việc mở rộng quy mô. Nhất là việc đầu tư dự án khu sản xuất, chế biến thức ăn cho bò sữa và Trang trại chăn nuôi, nhân lai tạo giống bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao Vinamilk Quảng Ngãi. Bởi, ngoài ổn định quy mô 4.000 con bò sữa, đảm bảo cung ứng 20 triệu lít sữa bò tươi nguyên liệu mỗi năm, thì dự án còn lai tạo 2.000 con giống mỗi năm, xây dựng khu sản xuất và chế biến thức ăn với công suất 82 tấn/ngày (30 nghìn tấn/năm).
 
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp đã làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, huyện đang rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu, chế biến thức ăn, gia súc, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Từ đó, tham vấn ý kiến các sở, ngành và tiến hành quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi tập trung với diện tích 106ha.
 
Thay đổi tư duy, đổi mới cách làm
 
Hiện các DN tham gia cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 50% giống cây trồng, 30% giống vật nuôi các loại (gia súc, gia cầm và thủy sản). Riêng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón phải nhập khẩu 90%. Điều này khiến DN bị động, gia tăng chi phí sản xuất, nông dân thì rơi vào cảnh bấp bênh, vì thu nhập thấp.
 
Nông dân trồng bắp sinh khối cung cấp cho Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi.
Nông dân trồng bắp sinh khối cung cấp cho Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi.
Ông Ngô Hữu Chánh, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành), nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc bày tỏ, nếu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư bài bản, công tác dồn điền đổi thửa được đẩy mạnh, thì vùng sản xuất tập trung sẽ hình thành, DN không rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu, còn nông dân cũng sẽ không phải “mạnh ai nấy làm” như lâu nay.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, để tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp tăng tốc phát triển, Sở NN&PTNT sẽ tập trung tổ chức lại khâu sản xuất, gắn với nhu cầu thị trường; tập trung định hướng, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát tổng thể quy hoạch đất nông nghiệp sử dụng cho các lĩnh vực, đặc biệt là chăn nuôi, gắn với "định vị" thị trường từng loại sản phẩm và chuẩn hóa nông sản. Ngoài ra, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống; đồng thời quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà đầu tư, để qua đó thu hút các DN đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón và công nghệ chế biến nông sản, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.