(Báo Quảng Ngãi)- Hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh được đầu tư ngày càng hoàn thiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh mới đạt 24,5% (khá thấp so với mức bình quân cả nước là 40%) và xếp thứ 5/5 tỉnh, thành phố của Vùng trọng điểm kinh tế miền Trung.
[links()]
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tốc độ phát triển đô thị của Quảng Ngãi diễn ra khá nhanh, góp phần tạo nên diện mạo mới cho các đô thị trên địa bàn tỉnh, nổi bật nhất là đô thị TP.Quảng Ngãi và một số khu vực trung tâm các huyện, thị xã như Bình Sơn, Đức Phổ và KKT Dung Quất. Các vùng có tốc độ đô thị hóa cao tập trung chủ yếu ở khu vực duyên hải, nơi có điều kiện thuận lợi về đất xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và khu, cụm sản xuất công nghiệp. Trong đó, KKT Dung Quất thực sự là một điểm sáng phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2010 - 2020, góp phần tạo ra bộ mặt đô thị công nghiệp - dịch vụ, với cơ sở hạ tầng hiện đại, quy mô lớn.
|
Trung tâm TX. Đức Phổ nhìn từ trên cao. ẢNH: LÊ DANH |
Hiện nay, cụm đô thị động lực của Quảng Ngãi tập trung ở khu vực trung tâm tỉnh, theo hướng bắc - nam là chính. Bắt đầu từ phía bắc với điểm đầu là Dốc Sỏi, Châu Ổ, đô thị Vạn Tường (Bình Sơn), qua TP.Quảng Ngãi ở vị trí trung tâm và kéo dài vào phía nam từ La Hà, Sông Vệ (Tư Nghĩa), Mộ Đức và kết thúc tại Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ). Hầu hết các đô thị đều nằm trên các trục giao thông thuận lợi có tính chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.
Trong số 13 đô thị của tỉnh hiện nay, có 1 đô thị loại II là TP.Quảng Ngãi, 1 đô thị loại IV là TX.Đức Phổ, 11 đô thị loại V gồm: La Hà, Sông Vệ (Tư Nghĩa), Di Lăng (Sơn Hà), Trà Xuân (Trà Bồng), Chợ Chùa (Nghĩa Hành), Châu Ổ (Bình Sơn), đô thị các huyện Lý Sơn, Ba Tơ, Minh Long, Mộ Đức và khu vực Vạn Tường (thuộc KKT Dung Quất).
|
Về chất lượng không gian đô thị, kiến trúc đô thị tại các trục trung tâm đô thị cũng dần hình thành tương đối rõ nét và đồng bộ. Không gian nhà ở đô thị đang từng bước được cải tạo, chỉnh trang theo hướng gia tăng mật độ, đa chức năng và kiên cố hóa. Công tác quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Hệ thống hạ tầng tại các đô thị từng bước được quan tâm đầu tư phát triển, nhất là ở TP.Quảng Ngãi, TX.Đức Phổ, các thị trấn như La Hà, Châu Ổ...
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển đô thị của Quảng Ngãi hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhất là sự chênh lệch lớn giữa trung tâm đô thị với các khu vực vùng ven và nông thôn. Hệ thống đô thị phân bổ không đồng đều, tạo ra khoảng cách phát triển lớn giữa đồng bằng, ven biển và miền núi. Nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng đô thị hiện nay tập trung chủ yếu cho khu vực TP.Quảng Ngãi và KKT Dung Quất, các khu vực khác vẫn còn triển khai chậm; mặt khác, một số hạng mục công trình đầu tư khai thác kém hiệu quả. Liên kết các chuỗi đô thị chủ yếu tập trung mạnh theo hướng bắc - nam, các trục kết nối động lực theo hướng đông - tây gần như chưa hình thành rõ nét...
Phương án phát triển hệ thống đô thị của tỉnh trong những năm đến là xây dựng các đô thị trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng, của huyện; phát triển đô thị xanh, hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, bảo đảm phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên mức trung bình cả nước (50 - 60%).
Theo đó, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng TP.Quảng Ngãi trở thành đô thị loại I; Bình Sơn và Đức Phổ hoàn thiện tiêu chí đô thị loại IV, hướng đến một số tiêu chí đô thị loại III; Lý Sơn đạt đô thị loại IV; 3 đô thị Di Lăng mở rộng (Sơn Hà), Trà Xuân mở rộng (Trà Bồng), Ba Tơ mở rộng (Ba Tơ), La Hà, Sông Vệ đạt đô thị loại IV và có 21 đô thị loại V. Đến năm 2050, hệ thống đô thị của tỉnh có khoảng trên 30 đô thị gồm: 1 đô thị loại I (TP.Quảng Ngãi), 2 đô thị loại III (TX.Đức Phổ và TX.Bình Sơn), 3 - 5 đô thị loại IV và các đô thị loại V, tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
MINH THẢO