(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng liên kết sản xuất, phát huy lợi thế của mỗi địa phương gắn với nhu cầu thị trường, giúp vừa hạn chế thiệt hại do hạn hán, vừa đa dạng hóa sản phẩm. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
[links()]
Tận dụng lợi thế để phát triển
Cùng với dưa hấu, bắp sinh khối, mè, thì đậu phụng (lạc) là loại cây trồng được nhiều nông dân xuống giống trong vụ hè thu 2022. “Đậu phụng dễ trồng, năng suất cao, lại dễ bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, vụ hè thu thường thiếu nước tưới, nên tôi không gieo sạ lúa, mà trồng đậu phụng xen bắp sinh khối, thu nhập cũng tăng đáng kể”, bà Trần Thị Lo, ở thôn Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức), lý giải.
Sản phẩm dầu phụng và củ lang khô của Hợp tác xã Nông nghiệp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) được khách hàng tin tưởng lựa chọn. |
Huyện Mộ Đức là địa phương có diện tích gieo trồng đậu phụng, bắp sinh khối cao nhất tỉnh, bình quân khoảng 1.700ha mỗi năm. Riêng vụ hè thu 2022, dự kiến có gần 1.000ha đậu phụng và bắp sinh khối, tập trung ở các vùng sản xuất lúa kém hiệu quả hoặc diện tích thiếu nước. Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh cho rằng, những diện tích này, trước đây nông dân trồng dưa hấu và ớt. Tuy nhiên, vì thị trường tiêu thụ các mặt hàng này phụ thuộc vào thương lái, nên nông dân thường rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”. Nhưng từ khi chuyển sang trồng đậu phụng, bắp sinh khối, nông dân yên tâm hơn, thu nhập lại tăng.
Hướng đến liên kết chế biến
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) là một trong những cơ sở chế biến dầu phụng lớn nhất tỉnh. Không chỉ bán trên 2.000 lít dầu phụng mỗi năm (giá khoảng 110 nghìn đồng/lít), HTX Nông nghiệp Tịnh Thọ còn đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Dầu phụng Tịnh Thọ”. Tuy nhiên, theo cán bộ HTX Nông nghiệp Tịnh Thọ Nguyễn Thị Hà, liên kết giữa nông dân với HTX chưa chặt chẽ, nên việc tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh. Có thời điểm, HTX bị động trong việc thu mua nguyên liệu chế biến, cũng như chưa kiểm soát được sản phẩm “Dầu phụng Tịnh Thọ” ngoài hộ dân.
Đây cũng là thực trạng mà ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bởi kế hoạch đến cuối năm 2025, toàn tỉnh sẽ tăng và ổn định diện tích trồng đậu phụng ở mức 7.000ha, năng suất bình quân 30 tạ/ha. Với sản lượng 21 nghìn tấn, nếu không xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định, rất dễ xảy ra tình trạng tồn đọng sản phẩm. “Cần quy hoạch cụ thể vùng nào trồng cây gì, diện tích bao nhiêu, chế biến và tiêu thụ như thế nào? Chứ chính quyền địa phương cứ khuyến khích chúng tôi trồng bắp, đậu phụng, đến khi sản phẩm quá nhiều, không tiêu thụ được thì biết làm sao?”, ông Lê Kiều Dũng, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ), bày tỏ.
Ngoài ra, rào cản trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất đậu phụng chính là thiếu nguồn giống chất lượng, nông dân sản xuất theo kinh nghiệm, dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm thấp so với các tỉnh khác. Theo TS.Võ Màu - Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất trồng trọt Tân Tân (TP.Hồ Chí Minh), việc nông dân sử dụng một loại giống đậu phụng trong nhiều năm, sản xuất còn nặng tư tưởng “phân nhiều tốt cây”... không chỉ giảm năng suất, mà còn gia tăng chi phí vì dịch bệnh gây hại.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, cùng với việc khuyến khích người dân đầu tư hình thành các vùng sản xuất đậu phụng lớn, Sở NN&PTNT sẽ nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi liên kết. Theo đó, nhà đầu tư sẽ hỗ trợ giống chất lượng, cử chuyên gia hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần vận động nông dân mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bài, ảnh:
MỸ HOA