Hành trình 20 năm giảm nghèo

10:06, 30/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 20 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Quảng Ngãi đã triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn TP.Quảng Ngãi. Nhờ đó, hàng nghìn hộ gia đình có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu...
 
[links()]
 
Đồng hành cùng hộ nghèo
 
Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế chăn nuôi của gia đình chị Phan Thị Thùy Linh, ở thôn 4, xã Nghĩa Dõng. Trước đây, gia đình chị Linh thuộc diện hộ cận nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Được sự giới thiệu và hướng dẫn của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của Hội LHPN xã, năm 2013, chị Linh tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH. Những năm đầu, chị Linh vay từ 20 - 30 triệu đồng mua cặp bò về nuôi để nhân giống. Nhờ sự cần cù, chịu khó nên chỉ sau một thời gian, bò đã sinh sản và đem lại thu nhập cho gia đình. Những năm qua, chị Linh luôn duy trì đàn bò từ 6 - 7 con.
 
Nhận thấy nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả, chị Linh tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để cải tạo diện tích đất vườn thả nuôi gần 200 con gà theo phương pháp truyền thống và 100 con vịt xiêm. Nhờ đó, giá bán gà, vịt của chị Linh cao hơn nhiều so với nuôi theo hình thức công nghiệp. Với nguồn thu nhập từ chăn nuôi hơn 100 triệu đồng/năm, không chỉ giúp gia đình chị Linh trả nợ vốn vay cho ngân hàng, mà còn có tiền tích lũy. “Nhờ nguồn vốn chính sách, gia đình tôi mới có thể đầu tư phát triển kinh tế, lo cho con ăn học và xây dựng nhà cửa”, chị Linh chia sẻ.
 
Mô hình trồng xương rồng cảnh của anh Nguyễn Minh Tuấn, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng xương rồng cảnh của anh Nguyễn Minh Tuấn, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chia tay chị Linh, chúng tôi đến tham quan mô hình trồng cây xương rồng cảnh của anh Nguyễn Minh Tuấn, ở thôn 1, xã Nghĩa Dõng. Đây là một trong những mô hình kinh tế mới trên địa bàn thành phố. Trong nhiều lần tìm hiểu trên mạng và tham quan các địa điểm trồng xương rồng ngoài tỉnh, anh Tuấn quyết định khởi nghiệp bằng nghề trồng xương rồng cảnh. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm, vốn, thị trường tiêu thụ, nên anh Tuấn chỉ trồng vài chục chậu trong vườn nhà. Sau thời gian trồng thử nghiệm, anh Tuấn nhận thấy đây là mô hình có triển vọng, nên quyết định đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, anh lại gặp khó khăn về vốn đầu tư. 
 
Thông qua Tổ TK&VV của Đoàn xã Nghĩa Dõng, năm 2020, anh được Ngân hàng CSXH tỉnh giải ngân 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư trồng xương rồng cảnh. Có vốn, anh Tuấn xây dựng khu vườn có mái che, với diện tích 300m2, để trồng các loại xương rồng đang được thị trường ưa chuộng. Anh Tuấn vào tỉnh An Giang để mua những loại giống tốt nhất. Năm 2021, mặc dù nhiều mặt hàng, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến ế ẩm, thua lỗ, nhưng xương rồng cảnh của anh Tuấn lại bán khá chạy. Đa số khách hàng đều đặt mua hàng qua mạng. 
 
“Xương rồng cảnh có nhiều loại và giá trị cũng khác nhau. Có loại giá chỉ vài trăm nghìn đồng/cây, nhưng cũng có loại tới vài triệu đồng/cây. Vì vậy, nếu không có vốn, mạnh dạn đầu tư thì rất khó. Cũng nhờ Ngân hàng CSXH cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, gia đình mới có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”, anh Tuấn chia sẻ.
 
Với số tiền thu được từ trồng xương rồng cảnh, anh Tuấn đã mua lại chiếc xe 7 chỗ đời cũ, với giá gần 300 triệu đồng để chạy dịch vụ, tạo thêm thu nhập cho bản thân và gia đình. Sắp tới, anh Tuấn sẽ đầu tư trồng thêm một số loại xương rồng mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
 
Tạo việc làm cho hàng nghìn lao động
 
Những năm qua, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã trở thành “chiếc phao cứu sinh” của hàng nghìn lao động. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, khiến nhiều người mất việc làm. Trước những khó khăn đó, đồng vốn chính sách đã trợ lực kịp thời, tạo việc làm cho nhiều hộ gia đình. Đơn cử như hộ ông Đỗ Văn Bá, ở thôn Kim Lộc, xã Tịnh An, năm 2020, được Ngân hàng CSXH giải ngân cho vay số tiền 30 triệu đồng, để trồng rau diếp cá và nuôi bò sinh sản. Không riêng gì ông Bá, hàng chục hộ gia đình trồng diếp cá ở các xã Tịnh An, Tịnh Châu đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để phát triển nghề truyền thống tại địa phương.
 
Còn chị Bạch Thị Đông, ở thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An gắn bó với nghề chế biến cá bống sông Trà từ nhiều năm qua, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến hàng hóa ế ẩm, thị trường tiêu thụ giảm sút. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, năm 2021, chị Đông được Tổ TK&VV tại địa phương bình xét cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, với số tiền 50 triệu đồng để mở rộng cơ sở  cá bống sông Trà Duy Kha. Hiện sản phẩm cá bống sông Trà Duy Kha đã được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. “Làm nghề đôi lúc gặp khó khăn, không có vốn thì rất khó xoay xở. Nếu vay ở các ngân hàng thương mại sẽ chịu lãi suất cao. Còn vay vốn chính sách có Tổ TK&VV hỗ trợ làm hồ sơ, ngân hàng về tận xã giải ngân. Đặc biệt, thời gian vay dài, mỗi tháng chỉ đóng tiền lãi, còn tiền gốc có bao nhiêu trả dần bấy nhiêu, nên rất thuận lợi”, chị Đông bày tỏ.
 
Chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
 
Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn  
 
Trong 20 năm qua, nguồn vốn chi nhánh cho vay trên địa bàn thành phố không ngừng tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm trên địa bàn TP.Quảng Ngãi từ 8  - 10%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 98%, hiệu suất sử dụng vốn đạt 99%, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,5%. Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nguồn vốn ngân sách địa phương được giao hằng năm, tối thiểu tăng từ 10% so với kế hoạch giao. Phấn đấu đến cuối năm 2023, số dư huy động tiền gửi thông qua Tổ TK&VV đạt từ 7%/dư nợ quản lý và duy trì ổn định cho những năm tiếp theo...
 
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Phan Thị Thùy Linh, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), có điều kiện mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Phan Thị Thùy Linh, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), có điều kiện mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết, để tiếp tục phát huy hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn TP.Quảng Ngãi trong thời gian đến, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ luôn bám sát mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển kinh tế của địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các chính sách tín dụng ưu đãi. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại điểm giao dịch xã, phường; thường xuyên củng cố, kiện toàn mạng lưới Tổ TK&VV tại các thôn, tổ dân phố. Lồng ghép các chương trình khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, để đầu tư nguồn vốn đạt hiệu quả. Tập trung ưu tiên vốn đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cũng như quan tâm đầu tư vốn tín dụng chính sách cho các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thu hút nhiều lao động, phát triển làng nghề, sản phẩm dịch vụ từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm... trên địa bàn.
 
Cùng với đó, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo trong việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, xét chọn hộ vay đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chị thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách.
 
Bài, ảnh: AN NHIÊN
 
 
 
 

.