(Baoquangngai.vn)- Giá phân bón, vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng cao, trong khi đó giá nông sản bấp bênh đã đẩy người nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn. Đây là bài toán nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp hiện nay.
[links()]
Chi phí sản xuất nông nghiệp tăng, lợi nhuận giảm
Nghịch lý giá nông sản lên xuống bấp bênh, giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng cao là câu chuyện được nhiều nông dân quan tâm trong thời điểm này. Tại các buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh, huyện vừa qua, đây là vấn đề nóng được cử tri các địa phương quan tâm kiến nghị.
Ông Nguyễn Thanh Chương ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) phản ánh, trong mấy chục năm trồng lúa, ông chưa bao giờ chứng kiến cảnh giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh như trong thời gian qua. Chỉ trong vòng hơn một năm, giá một số loại phân bón như Urê, Kali…đã tăng gấp đôi.
Với chi phí đầu tư như hiện tại, vụ lúa vừa qua dù có được mùa cũng khó có lợi nhuận cao. Giá các loại phân bón tăng cao khiến chi phí đầu tư tăng đáng kể, đồng nghĩa với việc lợi nhuận sẽ giảm đi. “Giá lúa khô hiện nay có giá 6.500 đồng/kg. Với giá lúa như thế này, người nông dân chúng tôi bán 2kg lúa chưa mua được 1kg phân bón”, ông Chương than thở.
Nông dân gặp khó vì giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng cao. |
Theo bà con nông dân, trong bối cảnh giá các vật tư đầu vào, giá phân bón và nhiều mặt hàng thiết yếu không ngừng tăng cao, thì giá sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi lại rất bấp bênh. Điều này vô hình chung đẩy người nông dân vào thế đã khó nay càng thêm khó khăn hơn và đặt ra nhiều thách thức cho người nông dân trong việc tiếp tục duy trì sản xuất.
Bà Trần Thị Kim Nguyệt ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) lo lắng: Làm nông nghiệp vất vả, thu nhập thấp, mà các chi phí xăng dầu, phân bón, thuê lao động liên tục tăng cao như hiện nay, người dân không có lãi. Với tình trạng này, không ít bà con nông dân đã tính đến việc bỏ ruộng để chuyển sang làm việc khác.
Bà Nguyệt cũng như nhiều hộ nông dân khác cho rằng, điều mong mỏi của nông hộ trong lúc này là được hỗ trợ kéo giảm chi phí sản xuất. “Chúng tôi rất mong tỉnh và các bộ ngành Trung ương có giải pháp bình ổn, kéo giảm giá phân bón và quản lý giá cả, chất lượng các loại giống vật tư nông nghiệp nói chung. Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để người dân an tâm sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi có lợi nhuận. Chứ nếu tình hình này kéo dài, nông dân sẽ rất khó khăn”, bà Nguyệt nói.
Để nông dân sản xuất có lãi
Qua tìm hiểu tại một số địa phương khác, để duy trì sản xuất trong điều kiện hiện nay, nhiều hộ dân phải tính toán kỹ trong việc canh tác. “Trước tình hình giá phân bón tăng cao, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào phân bón hóa học gia đình tôi kết hợp dùng phân hóa học và sử dụng thêm phân chuồng sẵn có, tận dụng phế phẩm trồng trọt để giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao”, ông Phạm Văn Thái ở xã Bình Khương (Bình Sơn) cho hay.
Đầu ra nông sản bấp bênh ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của nông dân. |
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, thời gian qua, giá phân bón liên tục tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản xuất, canh tác của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là chi phí vận chuyển cũng tăng cao, trong khi giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm, thị trường tiêu thụ bị hạn chế. Thực trạng này ảnh hưởng lớn đến tâm lý sản xuất người nông dân, cũng như trong công tác tái sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với bà con nông dân tại các buổi tiếp xúc cử tri, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hồ Trọng Phương chia sẻ về tình trạng giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, nhưng nông sản thu hoạch được nhiều khi rơi vào cảnh ‘được mùa,mất giá’, giá cả nông sản thấp, bấp bênh. “Để làm sao giá trị sản xuất tăng lên và cuộc sống người nông dân trong tỉnh ngày càng tốt hơn đây là vấn đề mà ngành Nông nghiệp chúng tôi rất trăn trở, suy nghĩ “, ông Hồ Trọng Phương nói.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hồ Trọng Phương cho rằng, sản xuất nông nghiệp trong tỉnh vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ. Chính vì vậy mà giá cả và chất lượng nông sản không có tính cạnh tranh trên thị trường. Hơn nữa các sản phẩm nông nghiệp chưa có mã vùng trồng, mã vùng nuôi,.. đây cũng là lý do hàng nông sản trong tỉnh luôn gặp thách thức lớn trong việc đưa ra thị trường và xuất khẩu.
“Ngành Nông nghiệp đang chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn các địa phương cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hợp tác xã,… đăng ký mã số vùng trồng, vùng nuôi để nông sản có “vé thông hành” vươn ra thị trường và xuất khẩu. Khi đó thì giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp mới được tăng lên, chứ chúng ta sản xuất nhỏ lẻ như thế này rất là khó”, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hồ Trọng Phương nói.
Cần có quy hoạch và định hướng các mô hình sản xuất phù hợp để gia tăng giá trị sản xuất cho ngành Nông nghiệp. |
Trước mắt, để bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho diện tích sản xuất nông nghiệp trước tình hình “bão giá” phân bón, ngành Nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đang định hướng, khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp với nhu cầu của từng loại cây trồng và điều kiện sản xuất. Áp dụng và nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với tình hình sản xuất tại địa phương.
Hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như chương trình ‘3 giảm, 3 tăng’, ‘1 phải, 5 giảm’ để giảm chi phí đầu tư sản xuất, đảm bảo lợi nhuận sau thu hoạch... Quản lý dịch hại tổng hợp, khuyến khích người dân áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VGAP, hữu cơ trên các loại cây trồng. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên lĩnh vực phân bón theo quy định.
H.P