(Báo Quảng Ngãi)- Theo thống kê vào chiều 3/4, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 30/3- 2/4, toàn tỉnh có hơn 5.500ha lúa đông xuân bị hư hỏng; trong đó, 3.500ha bị ngập úng, gần 2.000ha bị ngã đổ hoàn toàn. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm ngã đổ, ngập úng và hư hỏng gần 500ha bắp, mì và 1.500ha hoa màu. Các huyện Mộ Đức, Bình Sơn và Nghĩa Hành là những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.
[links()]
Thiệt hại nặng nề
Huyện Mộ Đức có gần 1.300ha lúa đông xuân và trên 400ha hoa màu bị ngã đổ, ngập úng. Trong đó, hàng nghìn héc ta lúa đang giai đoạn chín, chắc hạt bị ngập từ 70% và nhiều diện tích lúa ở các xã vùng trũng có nguy cơ bị úng, thối hạt nếu tiếp tục có mưa lớn. “Ba sào lúa đang chắc hạt bị ngã đổ, ngâm nước lâu ngày nên bắt đầu nảy mầm, thối hạt. Mấy ngày nay tôi ra đồng tìm cách tháo nước, nhưng ruộng ai cũng ngập, mương đầy nước nên đành đợi mưa tạnh thôi”, ông Huỳnh Đạo, ở xã Đức Phong (Mộ Đức) cho biết. Theo ông Đạo và người dân xã Đức Phong, vụ lúa đông xuân năm nay thiệt hại nặng. Bởi đầu vụ thì ngập úng, nông dân phải sạ lại 2 - 3 lần. Cuối vụ, chuẩn bị thu hoạch thì lúa ngã đổ, ngập úng, dẫn đến năng suất giảm từ 50 - 70% trở lên.
Sáng 3/4, bà Bùi Thị Cúc, ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), ra đồng vạch gốc lúa để tạo rãnh thoát nước, tránh cho lúa ngập úng kéo dài. |
Trong khi đó, người trồng rau các địa phương trong tỉnh cũng bần thần khi nhìn đồng rau bị dập nát, úng thối do ngập nước. Thành phố Quảng Ngãi là địa phương có nhiều diện tích rau màu bị thiệt hại nặng nhất, với gần 400ha rau, quả bị dập nát, ngập úng. Bà Nguyễn Thị Thái, ở thôn 1, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) cho biết, vì không nghĩ mùa này có mưa lớn đến vậy, nên tôi không chủ động các biện pháp bảo vệ, dẫn đến toàn bộ 2 sào bắp, rau thơm bị dập nát, ngập úng hết.
Nỗ lực khắc phục
Để nỗ lực cứu lúa đông xuân, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo hợp tác xã nông nghiệp huy động máy bơm để khẩn trương bơm tiêu thoát nước. Bên cạnh đó, người dân cũng khẩn trương thu hoạch lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là ruộng ngập nước, máy gặt đập liên hợp không thể xuống đồng, trong khi nhân công khan hiếm. Vì vậy, người dân rất mong được hỗ trợ trong thu hoạch, vận chuyển lúa.
Bà Nguyễn Thị Thái, ở thôn 1, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), kiểm tra vườn rau ngập úng của gia đình. |
Cùng với khắc phục hậu quả, thì việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân cũng được chính quyền các địa phương, ngành chuyên môn đặt lên hàng đầu. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng, mưa lớn sẽ còn tiếp tục kéo dài, nguy cơ xuất hiện lũ và sạt lở đất ven sông là rất lớn. Vì vậy, song song với nỗ lực cứu lúa và hoa màu bị ngập, huyện cũng yêu cầu các địa phương tuyệt đối không cho người dân ra đồng khi nước dâng cao, để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn người dân có phương án bảo vệ, phòng tránh các thiệt hại có thể xảy ra cho vùng nuôi thủy sản. Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh phối hợp với lực lượng bộ đội Biên phòng sắp xếp, bố trí và hỗ trợ ngư dân neo buộc tàu thuyền cẩn thận, đảm bảo an toàn, tuyệt đối không cho phép phương tiện xuất bến trong điều kiện thời tiết xấu.
Khẩn trương hỗ trợ người dân
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tại buổi họp trực tuyến khẩn với các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa vào sáng 1/4. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên dự tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương khẩn trương huy động các lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất; cũng như căn cứ vào tình hình thực tế, các quy định hiện hành để hỗ trợ kinh phí nhanh, kịp thời, giúp người dân sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời sống. Đồng thời, thống kê chính xác thiệt hại để báo cáo trung ương chỉ đạo và có hướng hỗ trợ phù hợp.
|
Bài, ảnh:
MỸ HOA