(Báo Quảng Ngãi)- Khai thác thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường là hướng đi bền vững, giúp bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho ngư dân. Thế nhưng, nhiều ngư dân gặp khó khăn trong duy trì, phát triển các loại hình khai thác thủy sản bền vững này.
[links()]
Liên tục thất thu
Từ nhiều năm nay, hơn 20 chủ tàu chuyên làm nghề câu vùng ven bờ ở làng chài Gò Tây, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) liên tục gặp tình trạng mất ngư cụ khi hành nghề trên biển. “Chúng tôi thường đi câu ở vùng biển cách đảo Lý Sơn từ 5 - 15 hải lý. Ngày trước, việc làm nghề rất thuận lợi, sản lượng thủy sản đánh bắt đạt cao. Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, một tháng đi 20 chuyến biển thì có 2 - 3 chuyến biển mất ngư cụ, vì khi dây câu thả xuống biển bị các tàu làm nghề lưới đi ngang qua cuốn đi mất. Do vậy, bình quân mỗi tháng, chúng tôi phải sắm mới khoảng 700 lưỡi câu với số tiền hơn 1 triệu đồng, đó là chưa kể công sức ngồi làm lại dây câu mới”, ngư dân Võ Đình Tuân, làng chài Gò Tây chia sẻ.
|
Ngư dân hành nghề câu vùng bờ và vùng lộng của tỉnh liên tục bị mất ngư cụ do các nghề khai thác thủy sản khác. |
Tại xã Đức Lợi (Mộ Đức), nơi từng có gần 100 ngư dân làm nghề bẫy mực gần bờ bằng ngư cụ làm bằng tre có hình dáng như chiếc lồng, có gắn lưới. Đây là loại hình đánh bắt thủy sản truyền thống ít làm hại đến hệ sinh thái dưới biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vậy mà hiện nay toàn xã chỉ còn 19 ngư dân gắn bó với nghề này. “Ngày trước, tôi thả chừng chục lồng tre là có được rất nhiều mực, giờ đây thả mấy chục chiếc lồng mới thu được chục con mực. Cột đá vào lồng tre rồi thả chìm xuống biển, nhưng gặp tàu giã cào khai thác lấn vào vùng ven bờ, lồng bị lưới giã cào kéo đi luôn. Biển “cạn” hải sản, rồi còn bị cuốn ngư cụ, nên chúng tôi không còn “sống khỏe” với nghề như lúc trước, vậy nên nhiều người bỏ nghề", ngư dân Lê Tám trầm ngâm nói.
Bỏ nghề vì bí đầu ra
Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT về Hướng dẫn bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, tất cả các nghề như lưới kéo, lồng xếp (lờ dây, bát quái…), ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực) đều bị cấm khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng nội địa. |
Thời điểm từ năm 2016 - 2018, gần 100 chủ tàu đánh bắt thủy sản xa bờ của tỉnh đã mạnh dạn mua các thùng nhựa, đục lỗ xung quanh làm lờ thả xuống biển để nhử cá giấu đầu lòi đuôi. Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản tỉnh, đây là loại hình đánh bắt được khuyến khích, vì khai thác thủy sản có chọn lọc và thân thiện với môi trường. Những tưởng đây là nghề khai thác thủy sản bền vững, vì vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ nguồn lợi. Nhưng hiện nay, toàn tỉnh không còn ngư dân nào làm lờ để nhử cá giấu đầu lòi đuôi.
Thời điểm hưng thịnh, các ngư dân chỉ cần mang theo từ 300 - 500 chiếc lờ nhựa, rồi ra vùng biển cách bờ chừng 100 hải lý, sau 10 - 15 ngày đánh bắt có thể thu từ 2 - 4 tấn cá giấu đầu lòi đuôi. Với giá bình quân từ 200 - 300 nghìn đồng/kg cá, ngư dân có thể thu từ 400 triệu đồng - 1,2 tỷ đồng/chuyến biển. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm ứng dụng phương thức đánh bắt mới, thân thiện với môi trường, các ngư dân làm nghề đành lần lượt bỏ nghề, vì không tìm được đầu ra ổn định.
“Tôi đầu tư 1.000 chiếc lờ nhựa, với kinh phí hơn 300 triệu đồng. Lúc đầu, thương lái mua để xuất khẩu, nên giá cá ổn định. Nhưng rồi về sau, thương lái không mua nữa, ngư dân chúng tôi thì phụ thuộc vào thương lái, nên không tự tìm được đầu ra. Cuối cùng, chúng tôi phải bán ngư cụ cho các cửa hàng mua ve chai, rồi chuyển nghề”, ngư dân Phạm Trí Thức, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết.
Hiện nay, những ngư dân gắn bó với các phương thức đánh bắt thủy sản thân thiện với môi trường đang chịu thiệt thòi do tình trạng tàu giã cào xâm lấn trái phép vùng biển ven bờ, nguồn lợi thủy sản ngày càng suy kiệt... Nhiều người lần lượt rời bỏ phương thức đánh bắt thủy sản thân thiện với môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với các ngành chức năng là có giải pháp quản lý, sắp xếp lại các ngành nghề khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ ngư dân tìm đầu ra cho thủy sản.
Bài, ảnh:
ĐÔNG YÊN