(Báo Quảng Ngãi)- Vào mùa mưa lũ, mặc dù các chủ đầu tư công trình thủy điện đã có phương án ứng phó với rủi ro, song thiên tai bất thường vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các công trình. Do đó, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần phải tăng cường giám sát việc thi công, vận hành thủy điện.
[links()]
Khắc phục bất cập khi thi công
Mới đây, Sở Công thương đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Thượng Sơn Tây (Sơn Tây) phải tạm dừng thi công, vì đổ thải ra môi trường, gây ảnh hưởng đến thoát lũ và vận hành nhà máy thủy điện phía dưới. Đồng thời, khẩn trương gia cố lại vị trí bãi thải để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Sở cũng yêu cầu công ty khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với thiên tai đối với công trình thủy điện...
Một góc công trường thi công thủy điện Thượng Sơn Tây. |
Còn tại công trường thi công thủy điện Đăkrobai, thuộc xã Sơn Lập (Sơn Tây) và xã Ngọc Tem, huyện Kon plông (Kon Tum), mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần, song đến cuối tháng 9/2021, vật tư, thiết bị, máy móc và lán trại công nhân vẫn chưa di dời đến nơi an toàn. Đại diện chủ đầu tư thủy điện này cho biết, sẽ có văn bản yêu cầu nhà thầu dừng thi công ở những điểm xung yếu; đồng thời, di dời lán trại đến nơi cao ráo và khi có mưa bão, phải dừng tất cả hoạt động thi công.
Quản lý, giám sát thủy điện liên tỉnh, liên huyện
Hiện nay, ngoài thủy điện Đăkrobai, còn có 3 thủy điện nằm trên địa bàn Quảng Ngãi và Kon Tum, gồm: Thủy điện Đăkre, thủy điện Nước Long và thủy điện Đắkđrinh. Trong đó, thủy điện Đắkđrinh đã đi vào phát điện 6 năm và việc phối hợp quản lý nhà nước đối với công trình đã xây dựng thành kịch bản chặt chẽ. Thủy điện Nước Long đang thi công, phương án quản lý đang được xây dựng. Riêng thủy điện Đăkre, thuộc xã Ba Xa (Ba Tơ) và xã Hiếu (Kon Plông), UBND tỉnh đã chỉ đạo các bên liên quan tăng cường công tác giám sát để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2021.
Thủy điện Sơn Trà 1C, nằm trên địa bàn huyện Sơn Hà và Sơn Tây, chuẩn bị đưa vào vận hành phát điện. |
Bài, ảnh: THANH HUYỀN