Giữ rừng xanh cho nước quanh năm

09:08, 29/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Điều kiện địa lý khá tương đồng, nhưng cứ đến mùa khô, nơi thì thiếu nước uống và sinh hoạt nghiêm trọng, còn nơi lại có nguồn nước đảm bảo. Câu chuyện giữ rừng để giữ nước là bài học cho nhiều địa phương.
[links()]
Nơi thiếu nước sinh hoạt
 
Những ngày này, đi qua các xã Ba Liên, Ba Động (Ba Tơ) nhiều nơi đồng đất khô hạn, trong các khu dân cư thì người dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Bà Huỳnh Thị Thúy Kiều, ở thôn Trường An, xã Ba Động cho biết, nắng nóng gay gắt làm các giếng khơi bị khô cạn từ tháng 6 đến nay. Ai cũng khốn khổ vì thiếu nước uống, sinh hoạt.
 
Dù nắng nóng kéo dài, nhưng người dân thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) vẫn có đủ nước sạch để dùng.
Dù nắng nóng kéo dài, nhưng người dân thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) vẫn có đủ nước sạch để dùng.
Ở thôn Trường An, không có công trình nước sinh hoạt tập trung, mỗi nhà dân đều phải đóng giếng khơi. “Để đảm bảo nguồn nước uống, gia đình tôi đã thuê đội thợ đào giếng sâu đến khoảng 20m. Mấy năm đầu nguồn nước dồi dào, mùa nắng vẫn đảm bảo cho gia đình sinh hoạt và tưới cây trong vườn. Nhưng mấy năm trở lại đây, cứ đến mùa nắng là giếng không còn nước. Đợt nắng nóng vừa qua, gia đình thuê người nạo vét, nhưng vẫn trơ đáy, muốn dùng thì phải canh múc từng gàu. Nhà đông người, giếng sâu, nước lại ít nên rất bất tiện”, bà Kiều ngán ngẫm nói.
 
Tại các thôn Đá Chát, Hương Chiêng, xã Ba Liên, nắng nóng kéo dài, giếng khơi khô cạn làm nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số rơi vào cảnh thiếu nước uống, sinh hoạt. Ông Phạm Văn Của, ở thôn Hương Chiên chia sẻ, hơn 2 tháng qua, trời không mưa, giếng khơi khô cạn, người dân phải kéo nhau xuống ven suối đào hố để lấy nước về dùng. Việc sử dụng nước suối để nấu ăn, sinh hoạt ai cũng biết là không đảm bảo vệ sinh, nhưng không còn cách nào khác...
 
Năm 2001, khi Nhà nước xây dựng hồ chứa nước Núi Ngang, người dân được chuyển đến ở khu tái định cư và được hưởng nguồn nước sinh hoạt từ một số công trình nước sinh hoạt lấy nước từ núi Lớn. Thế rồi, theo thời gian núi bị đốn chặt cây lâu năm để trồng keo, nên nguồn nước khô cạn, công trình nước hư hỏng. Cứ đến mùa khô hạn là người dân khốn khổ vì cảnh thiếu nước uống, sinh hoạt.
 
Chỗ đủ nước cho cả sản xuất
 
Khác với các xã phía đông huyện Ba Tơ, tại xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) - địa phương giáp với xã Ba Liên, dù trời nắng nóng kéo dài, người dân nơi đây vẫn đảm bảo nguồn nước uống, sinh hoạt. Chỉ tay về núi Lớn, anh Cao Thanh Hà, ở xã Hành Tín Đông chia sẻ, cũng nhờ núi xanh giữ được nguồn nước, nên dẫu nắng nóng kéo dài người dân vẫn còn nước để sử dụng trong sinh hoạt. Ở vùng núi Lớn, xã Hành Tín Đông, Nhà nước đã xây dựng bể chứa nước sinh hoạt với dung tích 75m3, để cung cấp cho 40 hộ dân trong xã.
 
Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê cho biết, trên địa bàn xã không có trạm bơm. Nguồn nước sinh hoạt, sản xuất đều nhờ vào nguồn nước thiên nhiên từ núi Lớn chảy về và nước giếng khơi, giếng đóng. Nhiều năm qua, nắng hạn kéo dài, một số xã đã thiếu nước uống nghiêm trọng, do rừng bị phá trồng keo và nhiều nguyên nhân khác. Vì thế, chúng tôi đã khuyến cáo người dân cố gắng giữ rừng. Nhờ đó, toàn xã có khoảng 1.156 hộ dân, với 3.768 nhân khẩu, vẫn đảm bảo nguồn nước uống, sinh hoạt. Hơn 116ha sản xuất nông nghiệp, thì có 110ha sản xuất 2 vụ/năm.
 
“Riêng hai thôn Khánh Giang và Trường Lệ có chân đất cao, mặc dù mấy tháng qua nắng hạn kéo dài, nhưng nguồn nước uống, sinh hoạt cho khoảng 40 hộ dân và nước sản xuất cho khoảng 32ha vẫn đảm bảo. Đó là nhờ vào mạch nước từ núi Lớn chảy về”, ông Bê nói.
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 
 
 

.