(Báo Quảng Ngãi)- Hàng chục nghìn con giống thủy sản được thả xuống các hồ, đập mỗi năm đã góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế cho người dân, nhất là người dân quanh các lòng hồ thủy điện. Tuy nhiên, người dân cần nâng cao ý thức trong bảo vệ và hưởng lợi, tránh tình trạng cá vừa thả xuống đã bị khai thác.
[links()]
Tạo đa dạng hệ sinh thái
Do khai thác tận diệt cùng tác động của môi trường, nguồn lợi thủy sản trên các ao hồ, công trình thủy lợi, thủy điện ngày càng cạn kiệt. Nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề khai thác thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh thực hiện thả hàng vạn con giống cá nước ngọt, nước lợ, tôm, cua các loại xuống các sông, công trình thủy lợi, thủy điện.
Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các công trình thủy lợi, thủy điện đã góp phần đa dạng thủy sản, tạo sinh kế cho người dân quanh vùng. |
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông cho biết: Việc thả cá về tự nhiên là một hoạt động có ý nghĩa, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt, góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh khai thác theo kiểu tận diệt...
Người dân được hưởng lợi
Đầm An Khê, đầm nước lớn nhất tỉnh nằm trên địa bàn xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). Nơi đây từng là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân quanh vùng nhờ vào nuôi trồng và khai thác thủy hải sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi thủy hải sản trong đầm ngày càng cạn kiệt. Do đó, việc thả cá tái tạo xuống đầm đã góp phần tạo đa dạng các loại thủy sản cho vùng nước tiềm năng này.
Ông Phạm Văn Quang, ở xã Phổ Khánh chia sẻ: Trước đây, do mọi người dùng lưới nhỏ để đánh bắt, nên tất cả cá to, nhỏ đều mắc lưới. Bên cạnh đó, một số người từ nơi khác đến đã đánh bắt bằng xung điện, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Tôi thấy ngành nông nghiệp thả cả xuống đầm rất có ý nghĩa. Chúng tôi sẽ bảo vệ số cá này và đánh bắt khoa học hơn để cá sinh sôi, đem lại nguồn lợi cho nhiều người.
Ở xã Sơn Liên (Sơn Tây), mấy năm nay, gia đình anh Đinh Văn Đách cùng nhiều người dân sống quanh hồ thủy điện Đắkđrinh đã có thêm nghề mưu sinh từ việc đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện. “Bây giờ đỡ rồi, mỗi ngày đi đánh lưới cũng kiếm được ngày công, còn có cá ăn, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn trước. Hồ thủy điện này cho mình cái ăn, nên mình và mọi người đều bảo vệ, đánh bắt cá theo khuyến cáo của cán bộ”, anh Đách bày tỏ.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, chương trình thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản từng bước làm thay đổi nhận thức và được người dân quan tâm, hưởng ứng. Vì thế, chương trình đã có sức lan tỏa, được nhiều tổ chức, đơn vị quan tâm thực hiện thông qua hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân chưa có ý thức trong việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, nên có trường hợp cá vừa thả ở đoạn sông trên thì ở đoạn dưới đã có người đánh bắt. Do đó, người dân cần phải nâng cao ý thức trong việc bảo vệ và khai thác hải sản một cách khoa học, tạo sinh kế bền vững.
Bài, ảnh: HỒNG HOA