Phát triển hạ tầng cụm công nghiệp: Còn nhiều khó khăn

02:03, 09/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Quảng Ngãi đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN), góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, việc đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
[links()]
Kết quả bước đầu
 
Thời gian qua, các CCN trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký đầu tư, qua đó tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tính đến 31.12.2020, trên địa bàn tỉnh có 23 CCN được hình thành, với tổng diện tích 329ha, trong đó có 18 CCN (tổng diện tích 299ha) đã được đầu tư xây dựng và thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh đi vào hoạt động.  
Trục đường chính vào CCN Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi)  chưa được đầu tư  toàn diện.
Trục đường chính vào CCN Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) chưa được đầu tư toàn diện.
Riêng năm 2020, các CCN đã thu hút thêm 8 dự án đăng ký đầu tư vào các CCN, nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư vào các CCN là 147 dự án, vốn đăng ký khoảng 2.834 tỷ đồng. Hiện có 93 nhà máy, xí nghiệp ở các CCN đang hoạt động, giải quyết việc làm cho 2.834 lao động, thu nhập bình quân khoảng 4 - 8 triệu đồng/lao động/tháng. Giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2020 đạt 3.650 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 87,5 tỷ đồng.
 
Việc phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh đã tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư vào phát triển công nghiệp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật; đồng thời góp phần sản xuất thêm nhiều hàng hóa tiêu dùng nội địa và sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
 
Những năm qua, Quảng Ngãi đã có nhiều cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng các CCN. Theo đó, năm 2020, ngân sách tỉnh phân bổ 78 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN. Lũy kế vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh đến tháng 12.2020 khoảng 382,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 20 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 226 tỷ đồng, ngân sách huyện và vốn vay tín dụng ưu đãi trên 136 tỷ đồng.
 
Vẫn còn khó khăn
 
Do nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN còn hạn chế, vừa thu hút đầu tư, vừa từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nên công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường CCN gặp nhiều khó khăn. Công tác vệ sinh môi trường trong và ngoài khu vực sản xuất, việc đầu tư các tuyến giao thông nội bộ còn nhiều hạn chế...
 
Mặt khác, một số địa phương đã quy hoạch nhiều CCN và chưa lấp đầy, nhưng vẫn xin chủ trương mở thêm CCN, trong khi nguồn lực hạn chế, dẫn đến việc đầu tư không đồng bộ, hoặc tạm dừng đầu tư trong thời gian dài, làm ảnh hưởng tới quy hoạch chung và môi trường đầu tư của các CCN. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư của một số dự án còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và xây dựng công trình, cũng là nguyên nhân gây hạn chế trong thu hút đầu tư.
 
Trong khi đó, việc thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do việc đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi chậm. Chính vì vậy, sau nhiều năm thu hút, năm 2020 mới có 1 doanh nghiệp đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN An Sơn - Đức Lân (Mộ Đức). Các CCN còn lại chủ yếu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đức Huy, thời gian tới, Sở Công thương sẽ tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật CCN như hệ thống thoát nước mặt, các trục đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, cấp nước, chiếu sáng cảnh quan cho các CCN. Phấn đấu hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật các CCN đang hoạt động, nơi có nhiều dự án sản xuất, kinh doanh. Đa dạng hóa các hình thức huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN. Xây dựng các cơ chế, chính sách mới, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.