(Baoquangngai.vn) - Khi kinh phí hỗ trợ của dự án đã hết, nhiều năm qua, người “nuôi” rừng không có nguồn thu nhập nào khác. Họ chặt phá rừng để trồng keo nguyên liệu, đảm bảo kế sinh nhai là điều khó tránh khỏi. Tạo sinh kế cho người dân để giữ rừng bền vững đang là bài toán cấp thiết cần sớm có lời giải.
[links()]
Tiến thoái lưỡng nan
Rừng keo nguyên liệu dày đặc |
... vây lấy diện tích rừng dự án KFW6 tại xã Phổ Cường. |
Cùng với Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi được hưởng lợi từ dự án “Khôi phục và quản lý rừng bền vững” (KFW6). Nguồn vốn tài trợ bởi Chính phủ Đức.
Dự án do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, Dự án được triển khai trong 9 năm, khởi động từ năm 2006, triển khai tại 3 huyện là Đức Phổ, Nghĩa Hành và Tư Nghĩa, với tổng diện tích 4.600 ha.
Mục tiêu của dự án nhằm khôi phục và quản lý bền vững các diện tích rừng ở những nơi có nguy cơ bị đe dọa về sinh thái; quản lý rừng bền vững, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, điều hoà nguồn nước tại các vùng được phục hồi rừng và các khu vực lân cận, điều hoà tiểu khí hậu vùng và tăng tính đa dạng sinh học, tạo việc làm cho người dân trong vùng dự án.
Dự án khi triển khai thì rất rầm rộ, người dân phấn khởi vì được hỗ trợ cây giống, công trồng và cả công chăm sóc. Khi kết thúc, dự án được bàn giao lại cho các huyện quản lý.
Dân chặt phá rừng vì trong tay có sổ đỏ. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng khẳng định: Thành quả mà dự án mang lại rất lớn, giúp diện tích rừng tự nhiên của huyện Nghĩa Hành từ hơn 1.012 ha tăng lên trên 2.670ha. Diện tích rừng này đảm bảo tác dụng phòng hộ cũng như bảo vệ nguồn nước.
Thành quả lớn nhất là Nghĩa Hành đã huy động được các nhà tài trợ hỗ trợ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, vừa giải quyết được công lao động cho người vừa để quản lý và bảo vệ hiệu quả. Huyện Nghĩa Hành đã thu hút được 1 dự án du lịch sinh thái tại Suối Chí với diện tích rừng tự nhiên ở khu vực này hơn 1.000ha.
Tuy nhiên, quản lý hậu dự án bộc lộ nhiều bất cập tại các địa phương. Chu kỳ chăm sóc rừng cây kéo dài vài chục năm lại không còn được hỗ trợ công chăm sóc, người dân rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, còn chính quyền thì cũng chỉ dừng lại ở mức lập biên bản, yêu cầu trồng tái sinh vì sổ đỏ đã giao cho dân, liên quan yếu tố nước ngoài tài trợ.
“Biết là giữ rừng để giữ nước, chống xói mòn, sạt lở, nhưng giữ đến 30 năm, thậm chí là 40 năm chúng tôi lấy tiền đâu phát dọn thực bì? Nghĩ đến đó ai cũng thấy ngao ngán. Hầu hết chủ rừng đã chuyển nhượng sang tay không qua chính quyền. Có thực mới vực được đạo”- một chủ rừng phân trần.
Cần tạo sinh kế để giữ rừng bền vững
Cây keo trồng 5-7 năm đã thu hoạch, còn cây bản địa kéo dài 30 năm, thậm chí đến 50 năm. Thời gian để dân “nuôi” rừng là rất khó nếu không tạo được sinh kế bền vững.
“Giữ rừng thành rừng về sau, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tiền chăm sóc cho chủ rừng hoặc cho trồng xen cây ngắn ngày để người dân có thu nhập từ rừng, tiếp tục chăm sóc. Với lực lượng kiểm lâm cũng cần chính sách hỗ trợ để tham gia cùng với chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng”, ông Đàm Bàng nói.
Đề rừng dự án cho “quả ngọt”, cùng quan điểm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ Võ Văn Trình bày tỏ: “Các cây bản địa chậm phát triển. Dân giữ rừng đến 30-40 năm sau, không có công chăm sóc, rất khó cho công tác quản lý. Rất cần cơ chế hỗ trợ thích đáng cho người giữ rừng và chế tài xử lý rõ ràng”.
Nếu không tạo được sinh kế để người dân giữ rừng bền vững thì diện tịch rừng này có nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn. |
Trước thực trạng trên Sở NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng mục tiêu cam kết của dự án, đề xuất UBND tỉnh đánh giá lại dự án.
Trước mắt đề xuất dùng ngân sách tỉnh khoảng 1,7 tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ để người dân yên tâm giữ rừng. Về lâu dài, Sở cũng đã xây dựng các cơ chế hỗ trợ kinh phí bảo vệ, chăm sóc, trồng lâm sản dưới tán rừng.
Theo khảo sát của Sở NN&PTNT, có rất nhiều loại cây thích hợp trồng bổ sung dưới tán rừng dự án để tạo sinh kế bền vững cho người dân, giúp họ có thu nhập vừa có trách nhiệm bảo vệ rừng lâu dài.
-->> Video: Các cơ quan chức năng nói về việc người dân tự thay đổi cây trồng trên đất dự án KFW6
Muốn giữ rừng bền vững, không có sự lựa chọn nào tốt hơn là có chính sách đột phá để người “nuôi” rừng an tâm và có động lực trong quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng được giao. Một mặt có thể bảo toàn và nâng tỷ lệ che phủ rừng, mặt khác cũng tạo được nguồn kinh tế ổn định cho người dân nhận rừng.
Bài, ảnh: A.KIỀU - Đ.TƯƠI