Lão ngư kể chuyện đi biển

08:03, 09/03/2021
.
(Baoquangngai.vn)-  Là một ngư dân của làng chài truyền thống, gần như cả đời gắn với biển.  Trong câu chuyện ông kể, có tình yêu biển cả lớn lao, không chỉ là nơi mưu sinh, mà họ gắn bó, thân thiết như máu thịt mà còn là khát vọng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
[links()]
Nhớ mùa cá tôm dồi dào
 
Làng biển Sa Huỳnh bao đời qua có biết bao đứa trẻ theo cha đi biển từ khi còn nhỏ. Ông Nguyễn Sáu ở tổ dân phố Thạch By 1, phường Phổ Thạnh là như vậy. Mười hai tuổi ông Sáu đã có những trải nghiệm đầu đời về biển trên những chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ cùng cha mình, 19 tuổi, chàng trai đã chọn nghề biển để gắn bó, mưu sinh. Đến nay đã hơn 70 tuổi và thời gian ông gắn với biển cũng phải chừng ấy năm. Những năm ấy, biển khơi đã dạy cho ông Sáu đủ những kỹ năng nhận biết, đợi, đón các đàn cá, tôm hoặc cách lấy điểm cao nhất của ngọn đồi hoặc núi nào đó ở đất liền làm điểm chuẩn cho thuyền vươn khơi.
 
ggg
Những chuyến tàu đầy ắp "lộc biển" trở về từ khơi xa trong ký ức của ông Sáu
 
Theo nhiều ngư dân làng chài Sa Huỳnh, ông Sáu có tài nhận biết đàn cá qua các dấu hiệu tăm nước, độ cao cá vọt lên mặt biển; thời điểm nào xuất hiện cá đàn, loại cá nào ở đâu…Ở cái thời mà ngư dân chưa có máy dò cá như bây giờ, thì những kỹ năng thuộc nằm lòng này rất cần thiết, đảm bảo cho những lần ông Sáu ra khơi thắng lợi, cá tôm đầy khoang. 
 
Ông Sáu kể: “Ngày ấy, chúng tôi nào có bí quyết gì. Ngư dân phải săn bắt cá theo mùa, mùa nào thức ấy. Tháng 2 đến tháng 9 (Âm lịch) thì hay gặp cá người đại dương ở đảo Song Tử Tây, Đá Tây và Tiên Nữ nằm ở quần đảo Trường Sa. Từ tháng 6 trở lên sẽ là mùa lưới vây, nếu gặp đàn thì có thể đánh bắt hàng tấn, cá mú, cá thu thì có quanh năm nhưng ít đóng đàn. Hầu như các loại hải sản nói chung đều ưa sáng, vì ăn đèn nên dễ bị dụ vào lưới, thế nhưng khi cất lưới vây lên khỏi mặt nước thì nhất định phải giảm sáng, tránh việc chúng nhận thấy sự thay đổi của môi trường mà bất an, tìm cách đâm đầu xuống đáy lưới, vừa làm cá thương tích vừa có thể bị vỡ lưới...
 
Có những chuyến nhờ kinh nghiệm biển mà tôi đánh trọn mẻ cá lưới vây, không bị hư hỏng lưới nghề. Đó là nhờ vào hướng nước chảy và độ cao cá vọt lên mặt biển mà đoán được dòng cá ít nhiều. Khi phát hiện được luồng cá thì các tàu thuyền đi đánh chung tập trung đánh vây lưới. Cả vùng biển cùng hò lôi kéo đầy khí thế. Được mẻ cá đầy là hò reo mừng rỡ...", ông Sáu bồi hồi nhớ lại. 
 
Nghỉ nghề biển từ năm 2017 , ông Nguyễn Sáu vẫn thường ra biển đứng trên khoang thuyền, nhớ biển.
Nghỉ nghề biển từ năm 2017 , ông Nguyễn Sáu vẫn thường ra biển đứng trên khoang thuyền, nhớ biển.
 
Hành nghề đi biển hơn 50 năm, ông Sáu đủ hiểu biển luôn thay đổi, biển chiều dân ấm no, biển giận thì ngư dân vất vả. Như lời ông Sáu kể, với nghề "hồn treo cột buồn", ngư dân phải hiểu và biết cách xứ trí phù hợp, nhất là cách tìm đúng nơi cần đến giữa biển khơi lớn rộng."Lúc trời trong mình phải nhìn hướng sao để canh đường đi. Có khi, phải dựa vào con nước sinh, nước rài, nước máy hay nước chảy để điều chỉnh hướng mũi thuyền nơi mình tìm đến. Dựa vào cách đó, mấy chục năm tui đi biển vào ban đêm chưa bao giờ “lạc” hay không tìm được ổ cá mà mình đã đánh dấu trước đó, ông Sáu cho biết thêm.
 
Nhờ những kinh nghiệm đi biển cùng tính cần cù, đến nay dù đã nghỉ nghề biển hơn 5 năm nay, ông Sáu cũng đã để lại "cơ nghiệp 2 tàu xa bờ cho 2 người con và xây dựng được nhà cửa khang trang. Truyền kinh nghiệm đi biển cho con và ngư dân trong làng để đánh bắt an toàn, thuyền về đầy ắp cá.
 
"Biển là máu thịt"
 
Với ông Sáu, biển cả như máu thịt và vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, là niềm tự hào và chưa bao giờ ông quên. Trong đó, không ít lần chạm trán tử thần và cũng đã không biết bao lần, tàu ông kịp thời cứu hộ, cứu nạn tàu bạn, giành lại sự sống của bạn thuyền giữa muôn tầng sóng biển. Trong ký ức không muốn nhớ, ông nói rằng, đối với những ngư dân miền biển, anh em như người một nhà. Trên bờ hay trên biển, lúc khó khăn thì giúp nhau vượt qua, đó là lẽ thường tình và cũng là cách sẻ chia, chung lòng của những người con lớn lên từ làng biển. 
 
Ông Nguyễn Sáu (áo trắng)
Ông Nguyễn Sáu (áo trắng) trao đổi kinh nghiệm đánh bắt cho ngư dân trong làng
 
Ông xúc động khi nhớ lần trực tiếp cứu sống 10 thuyền viên trên tàu cá của ngư dân cùng làng là Thái Thuần Nguyên, chủ tàu QNg 94568 khi đang câu cá người đại dương tại Trường Sa, thì bỗng ông Nguyên bị cối xay đá ăn lấy cánh tay phải. Trong sợ hãi, chiếc tàu cá QNg-94568 vội di chuyển về đảo Song Tử Tây để kịp thời cấp cứu. Nhưng không may, trên đường đi thì tàu bị gác lên rạng ở đảo.
 
“Lúc đó, 9 anh em trên tàu chỉ kịp quơ vội máy Icom liên hệ khẩn cấp với tàu cá của anh Nguyễn Sáu đi đánh bắt chung. Anh Quang đi trên tàu tôi chỉ nói được mỗi câu “cứu chúng tôi với” thì đuôi tàu bị thủng và nước dần chiếm cả khoang tàu. May mắn, tàu anh Nguyễn Sáu tiếp cận kịp thời, đưa tôi về đảo Song Tử Tây, 9 ngư dân còn lại anh Sáu gọi tàu bạn là Vũ Hoài Minh và Trần Cao Hoanh đến cứu. “Bước chân leo lên được tàu bạn an toàn, 9 ngư dân vui mừng khôn xiết”, ông Nguyên xúc động nhớ lại. 
 
Nói xong, ông Sáu lặng nhìn ra cảng biển rồi hào sảng cất lên mấy câu trong lời bài hát Tổ quốc gọi tên mình, do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thơ Phan Quế Mai: Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi! Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ. Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã. Máu của người nhuộm mặn sóng Biển Đông…
 
Ngay lúc này, những chiếc thuyền giương cao lá cờ Tổ quốc nối đuôi nhau vươn ra biển lớn, chúng tôi như cảm nhận được sự thủy chung với nghề, tình yêu và trách nhiệm với biển của ông Sáu và những thế hệ ngư dân ở làng biển Sa Huỳnh. Có thể, với họ, biển là máu, là tim, là mạng sống của mình. Còn với biển, họ là những chấm đỏ, những cột mốc sống trong hành trình giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
 
Năm 2014, ông Nguyễn Sáu được nhận Bằng khen của Bộ NN&PTNT; Kỷ niệm chương của Bộ Quốc phòng vì đã có thành tích đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ Quốc của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng năm 2016...
 
Bài, ảnh: Thủy Tiên
 

.