Nơi gắn kết ngư dân

09:02, 09/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau 10 năm thành lập, đến nay, các nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, tạo sự gắn kết mật thiết giữa các ngư dân trong cuộc sống và hành nghề trên biển.
[links()]
Điểm tựa vững chắc
 
Tháng 9.2011, Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn) được thành lập, với 428 đoàn viên. Đây là nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên của tỉnh và của cả nước được thí điểm thành lập. Đến nay, toàn tỉnh có 13 NĐNC cơ sở, với 6.749 đoàn viên, phân chia thành 185 tổ nghiệp đoàn hoạt động ở 734 tàu cá chuyên đánh bắt, khai thác hải sản ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. 
Ngư dân phân loại hải sản để đưa đi tiêu thụ.     ẢNH: M.HOA
Ngư dân phân loại hải sản để đưa đi tiêu thụ. ẢNH: M.HOA
Cùng với việc tuyên truyền đoàn viên thực hiện 4 nhiệm vụ theo Điều lệ Công đoàn quy định, các NĐNC còn tích cực vận động ngư dân bám biển, bám ngư trường sản xuất, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đồng thời, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và ngư dân, như tham gia góp ý nâng cấp, sửa chữa khu neo trú tàu thuyền trong tỉnh, đề xuất cấp trên sớm giải quyết chế độ liên quan đến bảo hiểm cho ngư dân, các chương trình hỗ trợ đoàn viên gặp khó khăn... 
 
Đặc biệt, hưởng ứng Chương trình Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa (do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động), LĐLĐ tỉnh đã kêu gọi nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp trên 20 tỷ đồng, trao tặng cho ngư dân và đoàn viên NĐNC có hoàn cảnh khó khăn. 
 
Chủ tịch NĐNC xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) Đỗ Hồng Minh cho biết: Đáng quý nhất là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp nhau của các đoàn viên NĐNC trong quá trình khai thác hải sản. Nhiều chủ tàu đã bỏ dở chuyến biển, chấp nhận tốn kém chi phí nhiên liệu và ngày công lao động để lai dắt tàu cá không may bị tai nạn trên biển vào nơi an toàn. Hay như các ngư dân cho mượn vốn xoay vòng để có cơ hội đầu tư các chuyến biển vươn khơi. Chính vì vậy, dù khó khăn, nhưng năm 2020, đội tàu gần 1.000 chiếc (tổng công suất 500.000CV) của xã đã khai thác trên 40 nghìn tấn hải sản, góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Tiếp tục nhân rộng
 
Những năm gần đây, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình khai thác hải sản, nhất là thiên tai và tàu nước ngoài thường xuyên “làm khó”. Bên cạnh đó, hầu hết lao động nghề biển phải đối mặt với các vấn đề mất an toàn lao động, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng chưa được đảm bảo. 
 
Chính vì vậy, việc hình thành và duy trì các NĐNC sẽ tập hợp ngư dân làm việc trên tàu thành tổ chức công đoàn cơ sở, nhằm tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật đến tận chủ tàu và người lao động, giúp họ hiểu biết và tự giác chấp hành. Đồng thời, thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển các đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc. 
 
Thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị nhân rộng mô hình NĐNC ở các khu vực ven biển. Song, để đảm bảo được sự phát triển bền vững của NĐNC, bên cạnh việc chăm lo đời sống cho đoàn viên, cần có chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho thân nhân của ngư dân, giúp họ ổn định cuộc sống, vững tin bám biển.
 
MỸ HOA
 
 
 

.