(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra ở Quảng Ngãi, nhưng ông lại sống, gắn bó, lập nghiệp trên mảnh đất Kbang (Gia Lai). Sau 42 năm lăn lộn với đại ngàn, ông đã trở thành người bạn của buôn làng, với những mô hình kinh tế "siêu hạng".
Ông được người dân nơi đây yêu mến phong là “Người đàn ông số 1 Kbang”. Đó chính là kỹ sư Võ Tấn Hưng (62 tuổi), chủ một doanh nghiệp, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp huyện Kbang.
Tiên phong nuôi cá tầm lấy trứng
Bước sang tuổi 62, nhưng trông ông Hưng trẻ hơn nhiều so với tuổi, nhanh nhẹn, chất phác như nông dân. Ông giới thiệu với chúng tôi tất cả những công trình tự nghiên cứu và triển khai của mình một cách kiệm lời, nói tới đâu chứng minh tới đó. Ông bảo: “Không phải nghiên cứu nào khi đưa vào triển khai trong thực tế cũng chứng minh ngay tính đúng đắn được đâu. Như mô hình nuôi cá tầm lấy trứng ở Kbang này, tôi phải mất 8 năm mới chứng minh được điều mình làm là đúng”.
Kỹ sư Võ Tấn Hưng trong phòng thí nghiệm nuôi cấy mô giống lan kim tuyến. Ảnh: T.HUYỀN |
Để có được đàn cá tầm, ông Hưng đã đầu tư 15 tỷ đồng và 8 năm trời ròng rã sớm khuya. Ban đầu, đây là mô hình thực nghiệm khoa học nuôi cá tầm thương phẩm do huyện Kbang thực hiện. Ông Hưng với vai trò là Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện chịu trách nhiệm chính. Sau khi dự án kết thúc, có lời ra tiếng vào, cho rằng “không hiệu quả”. Nghe vậy, ông Hưng đã vay mượn trả lại tiền đã đầu tư cho ngân sách, coi như “mua luôn mô hình”. Từ đó, ông tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, đầu tư giữ lại đàn cá nuôi lấy trứng. “Tôi loại bỏ cá đực, chỉ giữ lại cá cái. Khi cá bắt đầu hình thành trứng, tôi đầu tư máy siêu âm để siêu âm từng con một. Bây giờ, đàn cá 6.000 con này đã chuẩn, chỉ chờ ngày thu hoạch trứng. Việc thu hoạch trứng mỗi năm một lứa, sẽ theo phương thức hút, sau khi hút xong, cá sẽ được đưa trở lại hồ nuôi. Vòng đời cho thu hoạch trứng từ 15 - 20 năm”.
Theo kết quả siêu âm, tính toán chuẩn xác của các kỹ sư, thì mỗi con cá cho lượng trứng bằng 10% trọng lượng cơ thể, cá càng to, trứng càng nhiều. Tổng lượng trứng thu được vào mùa xuân này là 2 tấn, giá bán 23 tỷ đồng/tấn, thu về 46 tỷ đồng. Toàn bộ trứng cá tầm được đối tác tại Nga sang tận bè nuôi tự tay thu hoạch, bảo quản, đưa về nước.
Bảo tồn, phát triển lan kim tuyến
Mặc dù là kỹ sư cơ khí, song kinh qua nhiều công việc, đặc biệt ông Hưng có đến 15 năm là Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, chuyên triển khai nhiều đề tài, dự án khoa học, khiến ông “say” với nghiên cứu khoa học từ lúc nào không hay. Khi biết thông tin giống lan kim tuyến - loại dược liệu quý hiếm có ở vùng núi Kbang đang bị khai thác kiệt quệ, ông Hưng đã bỏ công lên núi cả tháng trời để tìm kiếm, đưa về bảo tồn. Ông miệt mài đọc tài liệu, mời chuyên gia xây dựng hẳn một phòng thí nghiệm nuôi cấy mô đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia, để bắt đầu công việc bảo tồn lan kim tuyến. Sau bao năm miệt mài, bao lần thất bại để hôm nay, trại nuôi cấy lan kim tuyến của ông được đánh giá lớn nhất, nhì cả nước.
Cá tầm nuôi lấy trứng tại hồ C thủy điện Vĩnh Sơn, xã Đắk Ron, huyện Kbang. |
Vùng trồng lan kim tuyến của Công ty CP Việt Nga Gia Lai hiện nay nằm tận trong rừng sâu, cách trung tâm huyện Kbang gần 100km. Với giống gen thuần chủng, cộng với khí hậu tự nhiên, nên sản phẩm lan kim tuyến của công ty làm ra đạt chất lượng, tiêu thụ dễ dàng. Hiện khách hàng từ Đài Loan, Nhật Bản đã đăng ký bao tiêu sản phẩm, không giới hạn số lượng. Ngoài ra, công ty của ông Hưng còn cung cấp giống cấy mô cho các tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh, với giá thành từ 2.700 - 3.000 đồng/nhánh đã nuôi cấy đủ kích thước để trồng. Mỗi năm, nguồn thu về từ bảo tồn, phát triển lan kim tuyến cũng lên đến 5 tỷ đồng. Hiện nay, phòng thí nghiệm nuôi cấy, bảo tồn lan kim tuyến của Công ty CP Việt Nga Gia Lai có 10 kỹ sư trẻ đang làm việc.
Và nhiều ước mơ đẹp
Ông Hưng tâm sự: Tôi quê ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) là cựu học sinh Trường THPT Tư Nghĩa 1, cựu sinh viên Bách khoa Đà Nẵng. Tốt nghiệp đại học, tôi vào bộ đội, xuất ngũ tôi về Kbang công tác cho đến nay. Kbang không phải nơi tôi sinh ra, nhưng lại là nơi cho tôi tất cả niềm vui của cuộc đời, là mảnh đất vô cùng giàu tiềm năng. Tôi thực sự biết ơn mảnh đất này và muốn để lại cho Kbang những mô hình kinh tế mà cả cuộc đời tôi đã tìm tòi, chứng minh tính đúng đắn của nó. Ngoài hai dự án nuôi cá tầm lấy trứng và bảo tồn, phát triển lan kim tuyến, mơ ước còn lại của tôi là thực hiện dự án khoanh nuôi, bảo vệ 500ha rừng, trong đó có 100ha sẽ trồng sâm ngọc linh kéo dài cả một vùng rộng lớn từ Kbang - Mang Zang - Nam Trà My, tổng đầu tư dự án khoảng 1.000 tỷ đồng; triển khai dự án du lịch thác Ba Tầng (50 tỷ), vùng lõi dự án sẽ là điểm du lịch sinh thái.
“Tôi chỉ mong mình có đủ sức khỏe để thực hiện trọn vẹn ước mơ ấy. Khi đã hình thành dự án, tôi sẽ chuyển giao cho lớp trẻ. Thú thực, cũng nhiều người tìm đến tôi học hỏi, nhưng họ đều không thành công, bởi họ chỉ nghĩ đến kinh tế, không xuất phát từ đam mê khoa học”, kỹ sư Võ Tấn Hưng bày tỏ.r
Làm kinh tế trên nền tảng khoa học
“Làm khoa học là để tìm phương thức sản xuất mới, mang lại lợi ích kinh tế cao, là điều tôi tâm huyết cả đời. Thú thực, tôi làm cả đời này không phải mục đích kiếm nhiều tiền, mà muốn để lại cho lớp trẻ một lời khuyên thú vị về làm kinh tế trên nền tảng khoa học”, Giám đốc Công ty CP Việt Nga Gia Lai Võ Tấn Hưng bộc bạch.
|
THANH HUYỀN