(Báo Quảng Ngãi)- Bão lũ đi qua, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nông dân các vùng chuyên canh rau trong tỉnh lại hối hả ra đồng. Màu xanh non dần trở lại những vùng “rốn lũ”, báo hiệu một mùa vụ mới bắt đầu.
[links()]
Mầm xanh sau lũ
Xã Bình Dương (Bình Sơn), địa phương nằm ở hạ lưu sông Trà Bồng, nên mỗi khi có mưa lớn là cả vùng bị ngập trong nước. Nơi đây cũng là vùng trồng các loại cây rau màu lớn nhất của huyện Bình Sơn. Năm nay, mưa bão liên tục khiến cho vùng trồng rau màu của xã bị hư hại gần như hoàn toàn. Những ngày qua, người dân đang tập trung khôi phục lại vùng rau bằng những loại cây phù hợp với điều kiện thời tiết, cũng như những loại hoa màu có thời gian sinh trưởng ngắn để bán trong dịp Tết. Đồng thời, xuống giống vụ ớt với nhiều hy vọng mới.
Chị Phạm Thị Thu, ở thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương chia sẻ: Vùng này chỉ cần mưa lớn là đã thấy nước rồi, vì vậy hơn một tháng qua, chẳng ai làm được cây gì. Giờ phải tập trung sản xuất vụ rau cuối năm và dịp Tết.
Màu xanh non đã trở lại ở vùng chuyên canh rau xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi). |
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Nga đang xuống giống 1 sào bí đao; một số hộ khác thì giăng dây tỉa đậu phụng, hay cắm cọc làm giàn cho những ruộng bí, dưa leo, khổ qua đã trồng trước đó. “Ở đây sống chủ yếu nhờ hoa màu, nên khi hết mưa lũ, mọi người ai cũng tranh thủ ra đồng dọn đất, vào vụ mới. Các loại giống như ớt, bí, khổ qua, dưa leo được mọi người ươm sẵn ở nhà, rồi mới đưa ra ruộng trồng, nên rất chủ động”, bà Nga cho hay.
Chủ tịch UBND xã Bình Dương Đỗ Minh Huấn cho biết: Toàn xã có gần 200ha trồng hoa màu quanh năm. Hơn 10 ngày nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân đã xuống giống các loại rau, bí, ớt, đậu... Chính quyền địa phương cũng đang tập trung huy động các lực lượng khắc phục diện tích sa bồi thủy phá, giúp người dân đảm bảo mùa vụ.
Tại các vùng chuyên canh rau ở xã Nghĩa Dũng, Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), nông dân cũng đang tranh thủ xuống giống các loại cây hoa màu ngắn ngày như bí, bầu, đậu cove, cà chua... Ngoài các loại rau dễ trồng được người dân tự ươm giống, thì có một số loại cây “khó tính” như cà chua được đặt mua giống ở tận Đà Lạt về trồng. Mặt khác, để có thu nhập thường xuyên và tránh lãng phí đất, người dân ở các vùng chuyên canh rau còn thực hiện phương pháp trồng xen canh theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
Hy vọng vụ mới
Thời điểm này, một số vùng trồng rau màu trong tỉnh đã bắt đầu thu hoạch những lứa rau đầu tiên kể từ sau đợt bão lũ diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua. Việc người trồng rau xuống giống, tái sản xuất đã góp phần cung ứng nguồn rau xanh tại chỗ cho thị trường trong tỉnh.
Bà Trần Thị Phương, ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: “Năm nay, thời tiết bất lợi quá, nên ai cũng thất thu. Cũng may là sau lũ, giá các loại rau đều tăng, ai cũng phấn khởi. Tôi đang tập trung nhổ cỏ cho gần một sào rau tần ơ để vài hôm nữa bán. Chỉ mong giá rau cao, để người trồng rau vớt vát lại những thiệt hại do bão lũ gây ra”.
Theo người dân, tuy giá không tăng đột biến do khan hàng như thời điểm những ngày sau lũ, nhưng hiện giá các loại rau vẫn nằm ở mức cao hơn nhiều so với thời điểm trước bão lũ. Đơn cử như cải cay có giá 7.000 đồng/kg, tần ơ 14.000- 15.000 đồng/kg, xà lách cỡ nhỏ 12.000 - 13.000 đồng/kg...
Năm nay, nông dân trong tỉnh không chỉ chịu ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài, mà còn oằn mình trải qua 2 đợt dịch Covid-19 và bão lũ lịch sử. Gượng dậy sau thiên tai, những nông dân “chân lấm tay bùn” đang hối hả chạy đua với thời gian để tái thiết sản xuất. Dường như trong gian khó, sức sống của người dân xứ Quảng càng trở nên mạnh mẽ, bền bỉ hơn. Tất cả đang dồn sức vào một mùa vụ mới với hy vọng no ấm, đủ đầy hơn...
Bài, ảnh: HỒNG HOA