Năm 2018, virus khảm lá mì xuất hiện tại tỉnh Tây Ninh. Sau đó, lây lan ra khắp các vùng trồng mì trong cả nước. Đây là loại bệnh mới, không có thuốc đặc trị nên lây lan rất nhanh, gây thiệt hại lớn đến năng suất cây mì.
Diện tích mì bị bệnh virus khảm lá ở khu vực miền Trung là 2.012ha vào năm 2018. Đến năm 2019, diện tích này tăng lên gấp 5 lần, với 10.012ha. Và năm nay, diện tích này tăng lên gấp 10 lần là 22.114ha.
Cả nước hiện có 22 tỉnh, thành phố có bệnh virus khảm lá mì với tổng diện tích gần 54.500ha. Trong đó, các tỉnh miền Trung chiếm 50%. Tại Quảng Ngãi, năm 2020 có 4.700ha mì bị bệnh virus khảm lá.
Ngay sau khi phát hiện bệnh, với nhiều giải pháp phòng trừ không hiệu quả, gây thiệt hại lớn cho người trồng mì, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu nghiên cứu, chọn tạo ra các giống mì kháng bệnh virus khảm lá.
Tìm ra được giống mới kháng bệnh khảm lá là niềm vui lớn cho nông dân. |
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Kim Văn Tiêu cho biết, đến nay đã tìm ra được 8 giống mì mới kháng bệnh virus khảm lá, đã đưa vào khảo nghiệm. Khi có kết quả tốt sẽ trình Bộ NN&PTNT công nhận giống mới để đưa vào sản xuất.
Các giống mì mới là C4, C9, C36, C48, C97, HN3, HN4, HN5, trong đó có 2 giống HN3 và HN5 đã thử nghiệm diện hẹp từ 2019, trồng diện rộng năm 2020.
Hai giống mì HN3 và HN5 là giống có khả năng kháng bệnh khảm lá tốt. Hơn nữa, 2 giống này cho năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với giống KM140 và KM419 được trồng phổ biến hiện nay.
Với các giống còn lại cũng có tiềm năng kháng bệnh, nhưng do mới thử nghiệm diện hẹp nên năm 2021 sẽ tiếp tục thí nghiệm diện rộng, nhằm khẳng định khả năng kháng bệnh chính xác hơn.
Diện tích mì bị nhiễm bệnh lây lan nhanh khắp cả nước. |
Theo Viện trưởng Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ông Hồ Văn Cường, 2 giống mì HN3 và HN5 bước đầu khẳng định kháng bệnh khảm lá. Hiện nay đang thực hiện nhân hom của 2 giống này để năm 2021 đưa đi khảo nghiệm các vùng trồng mì, sẽ tiến hành tập trung nhân giống để cấp cho các địa phương.
Cũng theo ông Cường, quá trình chọn tạo, khảo nghiệm, nhân giống đưa vào sản xuất phải mất thời gian 3-4 năm mới có các giống đưa vào sản xuất đại trà.
Vụ mì năm 2021, Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ giống mì để người dân Quảng Ngãi xuống giống vụ mới cho diện tích mì đã bị nhiễm bệnh.
Không nên lấy hom giống trên diện tích đã bị nhiễm bệnh để làm giống cho vụ mới. |
Phó Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, ông Lê Ngọc Hinh cho biết, tổng nhu cầu giống cho vụ mới tại Quảng Ngãi khoảng 400.000 bó giống, công ty sẽ trích kinh phí 1,7 tỷ đồng hỗ trợ 100.000 bó, tương đương với sản xuất 1.000 ha, diện tích còn lại mong tỉnh có chính sách hỗ trợ cho nông dân.
Vì vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương kịp thời hướng dẫn nông dân sử dụng hom giống có nguồn gốc sạch bệnh hoặc chuyển sang cây trồng khác để cắt nguồn bệnh.
Khi xuất hiện bọ phấn trắng trên ruộng mì phải kịp thời khoanh vùng, phun thuốc trừ bọ phấn trắng, tiêu hủy nguồn bệnh triệt để phòng bệnh lây lan, ảnh hưởng lớn đến năng suất cây mì.