Người chăn nuôi chuẩn bị cho thị trường cuối năm

02:12, 03/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời điểm này, nhiều gia trại, trang trại tích cực tái đàn, chăm sóc đàn heo để chuẩn bị cung ứng cho thị trường cuối năm. Tuy nhiên, người chăn nuôi chưa kịp thở phào, vì giá heo con giống đã giảm so với vài tháng trước, thì nay lại đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, giá cám tăng...
[links()]
Giá heo con giảm
 
Sau một thời gian giá heo con ở mức khá cao thì đến nay đã bình ổn trở lại. Vì thế, bên cạnh các gia trại chăn nuôi có quy mô, các hộ nhỏ lẻ cũng đầu tư chăn nuôi để chuẩn bị cho thị trường Tết. Ông Nguyễn Văn Sáng, ở  xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) bắt đầu thả nuôi 170 con heo. “Vừa qua, giá heo con mua từ các hộ dân có giá từ 1,3 - 1,4 triệu đồng/con từ 7 - 8kg. Còn giá heo con mua từ công ty có giá khoảng hơn 3 triệu đồng/con. Mức giá này đã giảm so với những tháng trước, nhưng lo nhất vụ heo cuối năm gặp thời tiết bất lợi. Bởi mưa lớn, nhiều nơi dễ bị ngập lụt, nước thải từ các chuồng nuôi heo bị bệnh dễ lây đến các nơi khác”, ông Sáng nói. 
Người dân chăm sóc đàn heo để chuẩn bị cung ứng cho thị trường vào dịp cuối năm.
Người dân chăm sóc đàn heo để chuẩn bị cung ứng cho thị trường vào dịp cuối năm.
Bà Phạm Thị Tới, ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) cho biết: Sau khi “thấm đòn” vì dịch tả heo Châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi không dám chủ quan với tình hình dịch bệnh. Do đó, để chuẩn bị heo phục vụ Tết, nhiều người cẩn thận hơn về nguồn heo nhập vào, thực hiện tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại kỹ lưỡng... Tuy nhiên, để chăm đàn heo vào thời gian này, cần chú ý đến chuồng trại kỹ lưỡng hơn, như che chắn xung quanh tránh gió lùa, thắp điện để giữ ấm trong chuồng, nhất là với heo mẹ và heo con. Ngoài ra, so với mùa nắng chỉ cần nuôi 4 tháng có thể xuất chuồng bán heo thịt, vụ này thời gian nuôi kéo dài hơn, giá cám cũng cao hơn, khiến các chi phí cũng tăng lên.
 
Phập phồng lo thời tiết
 
Đối với các hộ chăn nuôi đầu tư chuồng trại theo quy trình khép kín, mặc dù không phụ thuộc vào nguồn heo giống, nhưng thời tiết bất lợi vừa qua đã làm ảnh hưởng lớn đến việc chăn nuôi. Tại trại nuôi heo có diện tích 1.500m2 của ông Lê Châu, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức), quy mô chăn nuôi đã ổn định với 70 heo mẹ, mỗi năm sinh sản khoảng 1.400 heo con, mỗi tháng xuất chuồng 120 con heo thịt. Tuy đã chủ động được heo giống, đầu ra ổn định, song bão số 9 vừa qua khiến ông thiệt hại về chuồng trại, ướt 9 tấn cám... “Hiện tôi đang khắc phục dần khu vực chuồng trại, để bảo đảm việc chăn nuôi. Song, với tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay cũng phần nào ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của gia đình”, ông Châu chia sẻ.
 
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khiến nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT) đã cấp hơn 154.550 liều vắc xin lở mồm long móng, gần 50.000 liều vắc xin dịch tả heo Châu Phi và 1,5 triệu liều vắc xin cúm gia cầm cho các huyện. Đồng thời, phân bổ 26.862 lít hóa chất vào cuối tháng 9 để dự trữ cho các địa phương tiêu độc khử trùng.
 
Để khôi phục sản xuất, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ. Ngoài ra, người chăn nuôi cần bổ sung thêm khoáng chất, vitamin vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, tận dụng các nguồn thức ăn thô như rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp để thay thế nguồn thức ăn xanh khan hiếm, do bị hư hại trong bão, lũ. Đồng thời, rà soát, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm đúng quy định. Đối với chăn nuôi tại các huyện miền núi, phải chủ động đưa gia súc về nuôi nhốt trong chuồng kín gió, khô ráo, đủ ấm, không chăn thả ngoài trời khi nhiệt độ hạ thấp. 
 
Bài, ảnh: HUỲNH THẢO
 
 
 

.