(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bão lũ, song nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực đổi mới để phát triển, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
[links()]
Giữ vững thương hiệu quốc gia
Cuối tháng 11.2020, Lễ Công bố các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 đã diễn ra tại Hà Nội. Có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, trong đó Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát vinh dự lần thứ 5 liên tiếp đạt danh hiệu này.
Khách hàng chọn mua hàng Việt tại Siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Viên |
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho hay: Hòa Phát chiếm thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, với thị phần lần lượt là 32,8% và 31%, dẫn đầu thị trường đối với nội thất văn phòng. Giai đoạn 2015-2019, Hòa Phát đóng góp vào ngân sách nhà nước 24.055 tỷ đồng. Riêng năm 2019, số nộp ngân sách của Hòa Phát đạt 6.639 tỷ đồng. Dự kiến, khi dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất tại KKT Dung Quất đi vào hoạt động ổn định, mỗi năm số đóng góp thuế của Tập đoàn Hòa Phát cho ngân sách nhà nước sẽ đạt 10.000 tỷ đồng/năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi và khu vực miền Trung.
Công ty CP Đường Quảng Ngãi cũng là một trong số những doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia với các thương hiệu đường Quảng Ngãi, nước khoáng Thạch Bích, bánh kẹo Biscafun, bia Dung Quất, sữa đậu nành Vinasoy. Những doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia đều có năng lực cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng sản xuất kinh doanh, uy tín thương hiệu, đóng góp cho ngân sách, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Bá Minh cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường trên toàn thế giới, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đổi mới công tác quản lý điều hành, thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm, đồng thời liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ có chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu, chú trọng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, đăng ký chất lượng và sở hữu thương hiệu sản phẩm...
Ưu tiên cho hàng Việt
Thời gian qua, Nhà nước, các doanh nghiệp phân phối luôn ưu tiên liên kết với các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt trên địa bàn tỉnh, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp phân phối lớn mở chi nhánh trên địa bàn tỉnh như: Siêu thị Co.opMart Quảng Ngãi, Trung tâm Thương mại và siêu thị BigC Go Quảng Ngãi, Trung tâm Thương mại Vincom Plaza... đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo kênh kết nối để hàng Việt được tiêu thụ mạnh hơn, người tiêu dùng cũng được lợi khi có nhiều sự lựa chọn với giá cả cạnh tranh.
Theo Giám đốc Siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi Lê Hồng Ca, siêu thị luôn ưu tiên liên kết với các hợp tác xã tại địa phương tiêu thụ các mặt hàng rau quả như Công ty rau sạch QNASAFE, rau thủy canh Mầm Việt, hành tỏi Lý Sơn, dưa hấu Bình Sơn, các sản phẩm đặc sản vùng miện địa phương như cá bống Sông Trà, khô bò Thu Ba, mạch nha... Hoạt động hỗ trợ, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong nhiều năm qua đã tạo nên sự gắn kết chặt chẽ, vừa phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Co.opMart Quảng Ngãi, vừa góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt.
Giám đốc Siêu thị GO Quảng Ngãi Lê Hà Thanh Thảo chia sẻ: Chúng tôi luôn có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, làm cầu nối để hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Hiện hàng Việt chiếm khoảng 90% hàng hóa tại siêu thị. Không những thế, hàng Việt tại siêu thị đều được hỗ trợ trong việc trưng bày, quảng bá thông qua các chương trình khuyến mãi. Giai đoạn cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, siêu thị sẽ có nhiều chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhằm kích cầu tiêu dùng.
NGỌC VIÊN