(Báo Quảng Ngãi)- Sau 5 năm kể từ khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 02 thông qua Đề án xây dựng và phát triển hợp tác xã (HTX) Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 - 2020 (NQ 02), hoạt động của các HTX này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn và chưa thực sự phát triển như kỳ vọng.
[links()]
Ưu đãi chưa đi vào thực tiễn
Nhằm xây dựng và phát triển HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ, giúp ngư dân yên tâm bám biển dài ngày, HĐND tỉnh đã ban hành NQ 02 với mục tiêu trong giai đoạn 2015 - 2020 sẽ thành lập thêm 3 HTX hoạt động trong lĩnh vực này và hỗ trợ các HTX phát triển.
Hoạt động tại các HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, do sản lượng khai thác lẫn giá hải sản năm 2020 đều tụt giảm. |
Ngoài ra, HTX có dự án, phương án đầu tư khả thi được ngân hàng chấp thuận cho vay thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong 1 năm đầu, hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay trong 2 năm kế tiếp trên mức vay tối đa không quá 5 tỷ đồng/HTX.
Đề ra nhiều nội dung và mức hỗ trợ, được HĐND tỉnh khóa XI thông qua vào ngày 14.4.2015, song đến nay, mục tiêu thành lập mới 3 HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ, giai đoạn 2015 - 2020 cũng không thực hiện được; hầu hết các HTX đều chưa tiếp cận được những nội dung liên quan đến hỗ trợ về tín dụng, cơ sở hạ tầng... Theo Giám đốc HTX Đánh bắt xa bờ Bình Chánh (Bình Sơn) Phạm Hữu Ngọt, HTX chỉ mới hoàn thành các thủ tục và hưởng lợi từ nội dung ưu tiên hỗ trợ tiền thuê đất theo NQ 02, còn lại, về cơ sở hạ tầng và tín dụng, HTX vẫn chưa thể tiếp cận.
HTX hoạt động cầm chừng nên hơn 50 thợ đóng tàu của HTX Dịch vụ và khai thác xa bờ Nghĩa Phú mất việc làm. |
Tại HTX Dịch và và Khai thác thủy sản xa bờ Phổ Quang (TX.Đức Phổ), ngay sau khi NQ 02 có hiệu lực, HTX đã xây dựng nhu cầu kinh phí và đề nghị hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ lãi suất tín dụng. Tuy nhiên, do còn lúng túng về hồ sơ, trình tự thủ tục, nên đến năm 2018, HTX mới được phê duyệt hỗ trợ 1,267 tỷ đồng. Dù vậy, “mức kinh phí trên chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ nhu cầu vốn của HTX.
Mặt khác, dù NQ 02 ưu tiên hỗ trợ về đất đai, cũng như tiền thuê đất, nhưng HTX vẫn đang phải thuê mặt bằng 3.000m2 tại Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á với giá khá cao và liên tục biến động theo từng năm. Có năm, tiền thuê mặt bằng lên đến 178 triệu đồng. Vì vậy, HTX mong được thuê mặt bằng với giá bình ổn và được tạo điều kiện thuê dài hạn và trả tiền 1 lần để tránh biến động về giá theo từng năm”, Giám đốc HTX dịch vụ và khai thác thủy sản xa bờ Phổ Quang Thái Văn Thi bày tỏ.
Tại HTX Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), dù NQ 02 nêu rõ các địa phương phải ưu tiên vị trí, địa điểm thuận lợi cho HTX thuê đất, nhưng từ năm 2019 đến nay, sau khi mặt bằng mà HTX thuê để sửa chữa, đóng mới tàu thuyền bị thu hồi lại để thực hiện dự án khu dân cư, HTX buộc phải tạm thời ngừng hoạt động...
Khó khăn trong hoạt động
Là HTX hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, vừa đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, thế nhưng, hoạt động của các HTX này lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Sau nhiều năm hoạt động, HTX Đánh bắt xa bờ Bình Chánh (Bình Sơn) vẫn chưa có trụ sở làm việc và chỉ phát triển được dịch vụ đóng tàu. |
Theo khảo sát của phóng viên Báo Quảng Ngãi, trong tổng số 8 HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ còn 5/8 HTX còn hoạt động. Các HTX Dịch vụ và Khai thác thủy sản xa bờ Nghĩa Phú, Nghĩa An hiện đã tạm ngưng hoạt động. Riêng HTX Dịch vụ hậu cần đánh bắt xa bờ Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) chỉ thành lập trên danh nghĩa suốt gần chục năm nay.
“Là HTX tổng hợp về dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ, nhưng hoạt động chính của HTX chỉ mới dừng lại ở sửa chữa và đóng mới tàu cá. Vào thời điểm hưng thịnh, doanh thu mỗi năm của HTX lên đến 2 tỷ đồng. Nhưng 2 năm nay (2019 - 2020), HTX tạm nghỉ, không đóng mới được chiếc tàu nào. Phần vì ngư dân địa phương làm ăn thua lỗ, không đóng mới tàu; phần vì cửa biển ngày càng bồi lấp, tàu thuyền ra vào khu vực đóng tàu gặp nhiều khó khăn, nên ngư dân ngại đưa tàu vào bãi của HTX. Do vậy, doanh thu của HTX sụt giảm nghiêm trọng, việc làm và thu nhập cho xã viên, người lao động cũng tụt dốc theo”, Giám đốc HTX Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Nghĩa Phú Trần Viết Minh cho biết.
HTX hoạt động cầm chừng nên hơn 50 thợ đóng tàu của HTX Dịch vụ và khai thác xa bờ Nghĩa Phú mất việc làm. |
Thêm một khó khăn nữa đối với các HTX trong lĩnh vực này đó là, hoạt động khai thác thủy sản bằng hình thức giã cào hiện không được khuyến khích phát triển. Vì vậy, HTX với sự tham gia của các xã viên là chủ tàu giã cào đang gặp nhiều thách thức.
“Nghề giã cào không được khuyến khích phát triển, sản lượng khai thác của nghề cũng đang sụt giảm nghiêm trọng trong 3 năm trở lại đây. Hơn nữa, giá hải sản cũng giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Do đó, từ khi thành lập đến nay (2012), đây là khoảng thời gian mà hoạt động của HTX rơi vào tình cảnh khó khăn nhất”. Bên cạnh đó, do mặt bằng của HTX phải đi thuê, nên khi làm hồ sơ xin vay tín dụng, các ngân hàng đều từ chối, vì HTX không có tài sản cố định", Giám đốc HTX Dịch vụ và Khai thác thủy sản xa bờ Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) Phan Hiển chia sẻ.
Theo nhiều xã viên, lãnh đạo HTX, dù thành lập theo mô hình dịch vụ tổng hợp, phục vụ khai thác xa bờ; song, do khó khăn về vốn, nên các HTX vẫn chưa thể đa dạng các loại hình dịch vụ. Hơn nữa, nguyện vọng lớn nhất của các HTX là thực hiện được việc thu mua hải sản cho ngư dân với giá ổn định, tránh tình trạng ngư dân gặp điệp khúc được mùa thì mất giá. Nhưng đến nay, do không đủ tiềm lực về vốn, nên vẫn chưa có HTX dịch vụ và khai thác thủy sản xa bờ nào thực hiện được mong mỏi nói trên.
Sớm tháo gỡ khó khăn cho Hợp tác xã
Trước những khó khăn, vướng mắc của các HTX dịch vụ và khai thác thủy sản xa bờ, các ngành chức năng của tỉnh cần tiến hành kiểm tra, rà soát để đánh giá tình hình hoạt động của các HTX đặc thù này. Từ đó, có những định hướng và hỗ trợ phù hợp, nhằm trợ lực cho HTX vực dậy hoạt động, đồng hành cùng ngư dân phát triển nghề đánh bắt xa bờ theo hướng hiện đại, bền vững.
|
Bài, ảnh: Ý THU