Điều hành ngân sách năm 2021: Cần có quyết sách hợp lý trong tình hình mới

08:12, 17/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hai năm liên tiếp (2019 - 2020), Quảng Ngãi hụt thu ngân sách, gây khó khăn trong điều hành hoạt động thu - chi. Năm 2021, dự báo khó khăn vẫn còn nhiều, đòi hỏi việc điều hành ngân sách phải phù hợp hơn, để không mất cân đối, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống dân sinh.
[links()]
Hụt thu ngân sách 6.470 tỷ đồng
 
Theo báo cáo của ngành thuế, ước thu ngân sách nội địa cả năm 2020 đạt trên 10.250 tỷ đồng, đạt 74% dự toán trung ương giao, bằng 66,7% dự toán HĐND tỉnh giao. Thu nội địa ước hụt thu so với dự toán trung ương giao gần 3.610 tỷ đồng.  
Năm 2021, dự kiến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ nộp ngân sách 5.000 tỷ đồng.
Năm 2021, dự kiến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ nộp ngân sách 5.000 tỷ đồng.
Cụ thể, hụt thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất 2.452 tỷ đồng; các khoản thu còn lại (trừ đất) như thuế ngoài quốc doanh hụt 954 tỷ đồng, lệ phí trước bạ hụt 115 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân hụt 60 tỷ đồng... Nguyên nhân hụt thu là do trong năm, giá dầu thô bình quân thế giới chỉ ở mức 45,9USD/thùng, thấp hơn giá dự toán giao 14,1USD/thùng; giá bán sản phẩm dầu đầu ra bình quân 11 triệu đồng/tấn, bằng 70,6% so với giá dự toán tỉnh giao, giảm 29,3% so với giá bán năm 2019.
 
Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và Nghị định 100/2019 của Chính phủ, dẫn đến sản lượng tiêu thụ bia Sài Gòn giảm 40 triệu lít so với dự toán giao, hụt thu ngân sách 334 tỷ đồng. Còn Công ty CP Đường Quảng Ngãi hụt thu 89 tỷ đồng. Ngoài ra, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước 6 tháng cuối năm 2020, giảm tiền thuê đất, miễn giảm một số loại phí, lệ phí... đã tác động lớn đến nguồn thu. Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Tiếp cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành thuế đã nỗ lực thu, đôn đốc thu với mục tiêu đạt được số thu ở mức cao nhất. Tuy nhiên, năm 2020 do có quá nhiều tác động bất lợi, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu; đồng thời dự toán năm 2020 mà trung ương giao cho địa phương lại quá cao, chưa sát với thực tế, nên tỷ lệ thu đạt thấp so dự toán.
 
Năm 2019, hụt thu ngân sách của tỉnh khoảng 2.680 tỷ đồng. Nguyên nhân cũng tương tự như năm 2020, là do giá dầu dự toán cao hơn giá dầu thực tế và các khoản thu ngoài quốc doanh có biến động giảm. Như vậy, trong 2 năm liên tiếp (2019- 2020), Quảng Ngãi hụt thu ngân sách tổng cộng 6.470 tỷ đồng.
 
Vì sao năm 2020 mất cân đối ngân sách?
 
Về nguyên tắc, khi nguồn thu giảm thì phải giảm chi tương ứng; trong đó, cắt giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản với những dự án không cấp bách, chi hoạt động thường xuyên ngoài lương và xin trung ương cấp bù. Nếu điều hành theo nguyên tắc này thì năm 2019, Quảng Ngãi hoàn toàn có thể cắt giảm khoản chi đầu tư công trong năm, với tổng vốn 5.289 tỷ đồng, trong đó có không ít dự án lớn, chưa cần thiết, không cấp bách.  
Năm 2021, Khu Liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ tăng đóng góp vào ngân sách của tỉnh.
Năm 2021, Khu Liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ tăng đóng góp vào ngân sách của tỉnh.
Tuy nhiên, năm 2019, khi hụt thu ngân sách đến 2.680 tỷ đồng, Quảng Ngãi không thực hiện theo các nguyên tắc nêu trên, mà quyết định dùng "nguồn lực địa phương", tức là lấy các nguồn dự phòng ngân sách để bù đắp số hụt thu quá lớn này. Cụ thể, tỉnh đã lấy nguồn dự trữ cải cách tiền lương 2.276 tỷ đồng, dự phòng ngân sách 73 tỷ đồng, quỹ dự trữ tài chính 50 tỷ đồng, tiền sử dụng đất kết dư 178 tỷ đồng và quỹ dự toán 103 tỷ đồng, cho đủ bù số tiền 2.680 tỷ đồng hụt thu. Mục đích để giữ nguyên kế hoạch dự toán chi tiêu trong năm 2019 đã đề ra. 
Phát triển thương mại, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, góp phần tăng thu ngân sách trong năm 2021.
Phát triển thương mại, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, góp phần tăng thu ngân sách trong năm 2021.
Việc lấy 2.680 tỷ đồng từ các nguồn dự phòng trong năm 2019, khiến cho nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2020 không còn. Vì vậy, tỉnh đã đề ra số thu ngân sách năm 2020 quá lớn, nhất là nguồn thu tiền sử dụng đất (2.000 tỷ đồng), mục đích là để có nguồn chi theo kế hoạch và tái lập lại dự phòng ngân sách mới. Tuy nhiên, năm 2020 dịch bệnh, thiên tai ập đến, gây khó khăn cho nền kinh tế, Quảng Ngãi tiếp tục rơi vào tình trạng hụt thu ngân sách 5.110 tỷ đồng so dự toán HĐND tỉnh giao và 3.610 tỷ đồng so dự toán trung ương giao. Vì là tỉnh thực hiện theo cơ chế "điều tiết ngân sách", nên khi hụt thu, Quảng Ngãi đã hụt số ngân sách được hưởng theo quy định là 3.203 tỷ đồng.
 
Xử lý khoản hụt thu này, vào tháng 9.2020, UBND tỉnh đã giảm 1.000 tỷ đồng đầu tư công (từ nguồn quỹ đất, giảm từ 5.900 tỷ đồng tổng vốn đầu tư công xuống còn 4.900 tỷ); tiếp tục cắt giảm 30% chi thường xuyên ngoài lương 3 tháng cuối năm đối với hoạt động không cần thiết (38 tỷ đồng); rà soát lại toàn bộ các nguồn ngân sách dự phòng (176,8 tỷ đồng) để bù hụt thu (Quỹ dự trữ tài chính 22,8 tỷ đồng; nguồn kết dư ngân sách 7 tỷ đồng, tiền sử dụng đất năm 2019 còn lại 44 tỷ đồng; cắt chi thường xuyên năm 103 tỷ đồng). Đồng thời, tỉnh có văn bản xin trung ương cấp bù hụt thu 1.838 tỷ đồng để chi an sinh xã hội (hoạt động y tế, giáo dục, chính sách người có công...).
 
Kịch bản mới trong điều hành ngân sách 2021
 
Trao đổi về trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh trong điều hành ngân sách năm 2021, Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Chánh cho biết: Dự báo năm 2021, Quảng Ngãi khả năng tiếp tục hụt thu ngân sách, mặc dù dự toán thu thấp hơn năm 2017 - năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017 - 2020, nằm ở mức khoảng 11.005 tỷ đồng. Hiện tại, Sở Tài chính đã tính toán được khoản ngân sách mà tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phải xin trung ương cấp bù hụt thu trong năm 2021, là khoảng 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu ngay từ bây giờ, tỉnh không kịp thời có quyết sách đúng đắn, xây dựng kịch bản chi ngân sách phù hợp, thì khả năng sau khi được cấp bù 1.300 tỷ đồng, tỉnh vẫn hụt chi. 
Người dân đến kê khai lệ phí trước bạ tại Chi cục Thuế khu vực TP.Quảng Ngãi- Sơn Tịnh.
Người dân đến kê khai lệ phí trước bạ tại Chi cục Thuế khu vực TP.Quảng Ngãi- Sơn Tịnh.
Kịch bản mà Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh điều hành ngân sách năm 2021 hiện đã được bàn thảo. Cụ thể: Cắt giảm chi tương ứng với giảm thu, đặc biệt là chi đầu tư công; tiếp tục tạm giữ khoản cắt giảm 30% chi thường xuyên đối với khoản ngoài lương; cắt giảm tối đa chi phí hội họp, hội nghị... Bên cạnh đó, tính toán tăng thêm dự toán thu 400 tỷ đồng từ nguồn thu ngoài quốc doanh, để đảm bảo cân đối thu - chi. Sở Tài chính sẽ tham mưu cho tỉnh quyết liệt thu hồi các khoản tạm ứng ngân sách, đặc biệt là 325 tỷ đồng nợ tạm ứng kéo dài nhiều năm nay.
Dự lường trường hợp tiếp tục gặp khó
 
Theo Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Chánh, nếu năm 2021 Quảng Ngãi tiếp tục gặp khó khăn trong thu ngân sách, Sở sẽ tham mưu tỉnh kiến nghị trung ương đưa Quảng Ngãi ra khỏi danh sách địa phương thực hiện cơ chế điều tiết ngân sách sang địa phương được trung ương hỗ trợ ngân sách. Mục đích là ổn định ngân sách, đảm bảo nguồn lực cân đối tốt nhiệm vụ thu - chi.
 
Bài, ảnh: T.NHỊ - H.HOA
 
                        
 
 
 
 
 
 

.