Dịch tả heo Châu Phi quay trở lại

09:12, 16/12/2020
.
(Baoquangngai.vn) - Sau hơn 5 tháng công bố hết dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh, hiện nay, dịch đã trở lại. Người chăn nuôi lại lao đao.
[links()]
Người chăn nuôi lại lao đao

Cách đây 20 ngày, tại chuồng nuôi heo của gia đình bà Lê Thị Ba, ở thôn Hà Nhai Nam, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) đã xuất hiện tình trạng một số con heo lười ăn, mệt mỏi.

Vài ngày sau, trên da của heo chuyển sang màu đỏ, nôn mữa, hộc máu. Đàn heo 21 con heo, trong đó có 7 con heo nái đang trong giai đoạn sinh sản của gia đình bà Ba chết la liệt.

“Heo hộc máu chết la liệt nghĩ lại tôi vẫn còn ám ảnh. Gọi thú y đến mới biết heo mình bị nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi và đưa đi tiêu hủy. Ước thiệt hại của gia đình tôi gần 80 triệu đồng. Bao hy vọng vào lứa heo tết giờ tiêu tan”- bà Ba tiếc nuối nói.

Chuồng trại chăn nuôi quy mô lớn của gia đình bà Lê Thị Thương, ở thôn An Cư, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cũng trống hoác vì trang trại vừa bị “bão” dịch tả heo Châu Phi hoành hành.
 
Người chăn nuôi heo lại trắng tay vì dịch tả Châu Phi.
Người chăn nuôi heo lại trắng tay vì dịch tả Châu Phi.
 
Trang trại của bà Thương có 25 con heo nái và 200 con heo thịt đã 3 tháng tuổi, trọng lượng trung bình đạt 49 kg/con, dự định xuất bán phục vụ dịp Tết.

Gần 1 tháng trước, một vài con heo nái có dấu hiệu bị nhiễm dịch tả rồi lây sang đàn heo thịt. Mỗi ngày có đến 20 con lăn đùng ra chết, gia đình bà Thương tự mang đi tiêu hủy.

Đến khi nữa đàn heo chết bà Thương mới báo cơ quan thú y đến lấy mẫu đưa đi xét nghiệm, kết quả cho dương tính với dịch tả heo Châu Phi. Địa phương đã tổ chức tiêu hủy đàn heo 122 con còn lại của gia đình bà Thương, với tổng trọng 8,2 tấn.

Bà Thương buồn bã: “Chăn nuôi số lượng lớn nên tôi thực hiện rất kỹ khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và vườn nhà mà heo vẫn bị bệnh. Mấy chục năm nuôi heo chưa gặp bệnh này bao giờ. Khi mình báo thú y thì đã muộn. Gia đình tôi mất trắng 1 tỷ đồng”.

Nâng cao ý thức phòng bệnh

Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng Phạm Chinh cho biết, để tiêu hủy đàn heo trên, chính quyền địa phương đã chọn địa điểm, xử lý đúng theo quy trình nhằm đảm bảo phòng, chống dịch bệnh không để lây lan, đồng thời liên tục tuyên truyền khuyến cáo của ngành thú y về công tác phòng dịch cho nhân dân.
 
Hiện nay, dịch tả heo Châu Phi đã bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Quảng Ngãi. Sau hơn 5 tháng công bố hết dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh, Quảng Ngãi đã ghi nhận các ổ dịch mới.
 
tiêu hủy
Có 5 xã, thuộc 3 huyện có ổ dịch chưa qua 30 ngày kể từ khi phát hiện dịch bệnh.

 

Tại Quảng Ngãi, đến ngày 10.10, ghi nhận dịch xuất hiện trở lại tại thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) và Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa). Đến nay, có 5 xã, thuộc 3 huyện có ổ dịch tả heo Châu Phi chưa qua 30 ngày kể từ khi phát hiện dịch bệnh.

Đang là thời điểm mùa mưa, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán diện rộng và gây ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác chủ động, giám sát dịch bệnh tại một số địa phương còn hạn chế.

Dịch tả heo Châu Phi lại chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó, biện pháp trước mắt là chăn nuôi an toàn sinh học và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, ông Ngô Hữu Hạ khuyến cáo: Người dân khi chăn nuôi phải chăn nuôi an toàn sinh học, phải đảm bảo vệ sinh thú y cho đàn gia súc, đặc biệt trong điều kiện mưa lũ, thời tiết thay đổi thì phải tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên, không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi…

Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra diện rộng, nhất là dịch tả heo Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, nhất là dịp Tết, ngành thú y và chính quyền các địa phương đang tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.

Ngành thú y và các địa phương sẽ chức tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 20.12.2020-20.1.2021 để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh.

 

Bài, ảnh: A.KIỀU

.