(Báo Quảng Ngãi)- Bão, lũ trong những ngày vừa qua đã làm mất đi sinh kế duy nhất của rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo khiến nguy cơ tái nghèo rất lớn. Vì vậy, cần có những chính sách hỗ trợ sinh kế kịp thời như cấp cây, con giống, hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi... giúp người dân tái thiết cuộc sống.
[links()]
Nguy cơ tái nghèo
Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nghề trồng hoa cúc được xem là sinh kế chủ yếu của người dân. Nhờ làm ăn chăm chỉ, ông Bùi Ngọc Sơn, thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp được chính quyền địa phương đưa ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. Không bằng lòng dừng lại ở việc thoát nghèo, vợ chồng ông Sơn quyết định vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) để trồng 1.500 chậu hoa cúc. Những tưởng vụ hoa cúc năm nay sẽ giúp gia đình ông có một khoản tiền kha khá để trả nợ và lo cho con ăn học... Thế nhưng, bao nhiêu kỳ vọng đặt vào vụ hoa Tết đã bị cơn bão số 9 phá tan tất cả.
Bão số 9 đã gây thiệt hại hoàn toàn 560 chậu cúc của gia đình chị Bùi Thị Liễu, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa). |
Ông Sơn bộc bạch: Tiếc cho bao nhiêu vốn liếng, công sức mấy tháng trời, hơn 10 ngày nay, vợ chồng tôi đã dầm mưa để đỡ hoa dậy và cố định gốc. Tuy nhiên, hiện chân lá đã héo rũ 20 phân, chất lượng giảm tới 60%. Sắp tới đây không biết lấy tiền đâu trả nợ, cho con ăn học.
Tương tự, gia đình chị Bùi Thị Liễu, ở thôn Hải Môn, cũng thuộc diện hộ mới thoát nghèo, nên được chính quyền địa phương, Ngân hàng CSXH huyện Tư Nghĩa tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng. Có vốn, gia đình chị đầu tư trồng 560 chậu cúc, nhưng cơn bão số 9 quét qua đã làm thiệt hại hoàn toàn. Sinh kế duy nhất bị mất đi, nguy cơ tái nghèo đối với gia đình chị Liễu hiển hiện trước mắt.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn của Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế. Đây là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước những biến cố của thiên tai. Ngay cả những hộ bình thường bị mất trắng tài sản, nhà cửa cũng sẽ rơi vào cảnh nghèo.
Trong chuyến thị sát và làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục bão, lũ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các tỉnh cùng với việc đảm bảo cuộc sống bình thường, phải đảm bảo sinh kế cho người dân. Nhất là thời vụ cận kề, sớm cấp các loại giống. Không chỉ lo trước mắt mà còn phải lo cả lâu dài... |
Cần chính sách kịp thời về tín dụng
Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tư Nghĩa Trần Thị Hồng Oanh cho biết: Tư Nghĩa là một trong những địa phương có dư nợ bị ảnh hưởng do bão số 9 gây ra lớn. Theo đó, số dư nợ bị thiệt hại ở Tư Nghĩa hơn 12 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đang tập trung xử lý gia hạn nợ, khoanh nợ, nhất là rà soát những trường hợp cho vay bổ sung để người dân có vốn tái sản xuất, ổn định cuộc sống.
Mưa bão khiến vườn cây ăn quả nhà ông Phạm Đạt, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) bị thiệt hại nặng, trong đó có hàng chục cây chôm chôm 20 năm tuổi. ẢNH: TL |
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng nhanh chóng thống kê thiệt hại của khách hàng nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ tốt nhất, tránh xảy ra tình trạng nợ xấu, ảnh hưởng đến vay vốn sau này của người dân.
Người dân nơi tâm bão đi qua rất cần những chính sách ưu đãi cụ thể, thiết thực như chính sách giảm tiền đóng học cho học sinh. Đối với người dân vay vốn sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng mưa lũ, thì nên đáo hạn và giảm lãi ngân hàng, nếu cứ đóng lãi như cũ thì khó thực hiện được. Người dân cũng cần hỗ trợ cây, con giống... để từng bước khôi phục sản xuất.
Hỗ trợ sinh kế phù hợp với từng vùng
Liên tiếp những ngày qua, nhiều chuyến xe đưa hàng cứu trợ từ khắp mọi miền đất nước đã về Quảng Ngãi. Mong mỏi của tất cả mọi người là giúp người dân khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Nhưng thực tế cho thấy, những hoạt động thiện nguyện hiện nay chủ yếu mang tính cứu trợ khẩn cấp khó khăn trước mắt về nhu cầu ăn, mặc cho người dân chịu ảnh hưởng của bão, lũ. Trong khi đó, không ít hộ gia đình hiện đang rơi vào cảnh trắng tay, không nhà, không tài sản, không công ăn việc làm, ruộng vườn chưa thể cày cấy, ranh giới giữa nghèo và không nghèo là vô cùng mong manh. Vì vậy, ngoài nhu cầu ăn, mặc hằng ngày, họ cần sự hỗ trợ để tạo sinh kế lâu dài. Cụ thể là nguồn tư liệu sản xuất ban đầu để đầu tư, tái sản xuất, như cây, con giống, phân bón...
Theo thống kê, thiệt hại về nông nghiệp là vô cùng lớn và tùy theo từng vùng, từng địa phương chuyên canh những loại cây trồng, vật nuôi khác nhau. Đơn cử như ở huyện Tư Nghĩa chuyên canh cây hoa, Nghĩa Hành có dự án cây ăn quả... Chính vì vậy, khi đưa ra phương án hỗ trợ cũng cần có sự tính toán cho phù hợp theo phương châm cho cái họ cần, chứ không cho cái mình có.
Toàn bộ diện tích rừng trồng bị bão số 9 làm ngã đổ, nhiều nông dân vay vốn trồng rừng tại các HTX đang gặp rất nhiều khó khăn, cần được gia hạn. |
Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hiệp Trần Văn An cho hay: Còn 3 tháng nữa đến Tết, nên nếu tái đầu tư lại các loại hoa như cúc, hồng sẽ không kịp. Thế nên, người dân chỉ có thể thay thế bằng cách trồng các loại hoa ngắn ngày như vạn thọ Nhật, mồng gà... Bên cạnh cây hoa, nếu được hỗ trợ gà, bò, heo sẽ giúp người dân nhanh có nguồn thu nhập.
Còn tại huyện Nghĩa Hành, trong trận bão số 9 vừa qua, toàn huyện có gần 500ha cây ăn quả thì có đến 360ha bị thiệt hại nặng nề, người dân phải chặt bỏ. Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng chia sẻ: “Sau bão, lũ, có nhiều hộ trắng tay. Huyện cũng đang tìm các nguồn kinh phí hỗ trợ giống để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sớm khôi phục các vườn cây ăn quả".
Trong đợt bão, lũ vừa qua, cây trồng thiệt hại nặng nhất ở các địa phương là cây keo. Hiện đang là mùa trồng rừng, nên nhiều hộ dân đã tranh thủ khai thác, chặt bỏ để lấy đất trồng vụ mới. Do đó, người dân rất cần sự hỗ trợ cây keo giống. Hiện Sở NN&PTNT tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung thống kê toàn bộ thiệt hại, đề xuất các nhu cầu về số lượng cây, con giống... để có cơ sở đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau bão.
Cần phát huy vai trò của Quỹ tín dụng nhân dân
Thực tế cho thấy, đây là lúc vai trò của các Quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô rất quan trọng. Bởi với quy mô, hình thức hoạt động vươn đến từng thôn, xóm; với món cho vay nhỏ (có khi chỉ vài triệu đồng); tiếp cận những người yếu thế, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội - các đơn vị này dễ dàng nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân cho những khoản vay thiết thực nhất, góp phần giúp người dân không bị vướng vào bẫy tín dụng đen.
|
Bài, ảnh: HỒNG HOA