Giữ nghề như lẽ sống

11:11, 28/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua bao thăng trầm, nghề làm nước mắm ở xã Đức Lợi (Mộ Đức) vẫn luôn gắn liền với đời sống của người dân nơi đây như một lẽ tự nhiên.
[links()]
Thăng trầm theo vị mắm mặn mòi 
 
“Trong ký ức của tôi vẫn vẹn nguyên hình ảnh của những người mẹ mặc áo bà ba ngày ngày đưa nước mắm về phố thị, gánh mắm lên vùng cao đổi lấy gạo, khoai về dùng. Lúc bấy giờ, mắm không chỉ đơn thuần mang đi bán mà còn là sản phẩm để trao đổi hàng hóa giữa các vùng”, ông Nguyễn Đình Hiếu, ở thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi, trải lòng.  
Nước mắm truyền thống Đức Lợi (Mộ Đức) tự khẳng định và giữ vững thương hiệu trước sự cạnh tranh của các loại  nước mắm công nghiệp.
Nước mắm truyền thống Đức Lợi (Mộ Đức) tự khẳng định và giữ vững thương hiệu trước sự cạnh tranh của các loại nước mắm công nghiệp.
Là một làng sống nương nhờ vào biển, nghề làm mắm giúp người dân đắp đổi qua những ngày đông khó khăn, khi tàu thuyền nằm bờ. Bởi vậy, dù nghề làm mắm ở Đức Lợi lắm gian truân, nhưng ông Hiếu cũng như nhiều hộ dân nơi đây vẫn nỗ lực tìm cách vực dậy nghề nước mắm truyền thống, để có thể tiếp tục sống với nghề. Ông Hiếu cho hay: Một chai nước chấm, nước tương ngoài thị trường hiện nay có giá 20 - 30 nghìn đồng/lít. 
 
Còn  nước mắm truyền thống giá 70- 80 nghìn đồng/lít. Nước mắm Đức Lợi muốn ra thành phẩm phải trải qua 12 tháng, mùa xuân năm này cá được ngâm trong thùng gỗ thì đến mùa xuân năm sau những giọt nước mắm sóng sánh mới được đong vào chai, hiện diện trên mâm cơm của các gia đình. Cá phải dùng cá cơm than vừa mới đánh bắt. Muối phải là muối Sa Huỳnh phơi đủ nắng. Trong quá trình muối phải khuấy cá, lọc ra những con cá khác loại thì mắm mới thơm ngon và có màu đẹp. Dù quy trình muối cá, xử lý độ mặn giống nhau, nhưng hương sắc nước mắm mỗi gia đình lại phụ thuộc vào bí quyết riêng.
 
“Cả năm làm mắm chẳng hề nghe mùi cá, nhưng hễ có hũ mắm nào được mở lọc thì hương thơm bay khắp làng trên xóm dưới”, ông Hiếu cười hiền khoe.
 
Kỳ vọng của người dân làng biển
 
Hương vị nước mắm truyền thống không thể thiếu trong đời sống của người dân ven biển Đức Lợi, bởi thế họ luôn giữ nghề như một lẽ tự nhiên của sự sống. Chị Phạm Thị Thuý Vân, người kế nghiệp nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình sang đời thứ năm, chia sẻ: “Gia đình tôi vẫn giữ bí quyết làm mắm truyền thống, nhất định không chạy theo thị trường mà làm hư danh tiếng nước mắm do ông bà để lại”.
 
Không còn bó hẹp trong phạm vi gia đình, nhiều cơ sở sản xuất và hộ gia đình nay đã đổi mới mẫu mã, xây dựng thương hiệu để cạnh tranh trên thị trường. Dù gặp nhiều khó khăn trong việc đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, nhưng người làm mắm ở Đức Lợi vẫn gắn bó với nghề và tin vào sự phát triển trong tương lai, bởi chất lượng sản phẩm sẽ là lựa chọn hàng đầu. 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Văn Tiến cho biết: Địa phương đang đầu tư phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng. Du khách đến với làng nghề làm nước mắm Đức Lợi sẽ được tham gia vào các công việc của người dân làng nghề, như đan bóng, muối cá, làm mắm. “Có lăng Bà, đình làng An Chuẩn, xóm đan bóng mực, Hợp tác xã rau An Mô, rồi đến làng nghề làm nước mắm, tôi hy vọng nơi này có thể đón thêm nhiều du khách đến để nghe về những câu chuyện của làng. Từ đó, người dân địa phương có thể sống được với nghề truyền thống. Đức Lợi sẽ phát triển nhưng vẫn giữ được giá trị văn hoá, nét đặc trưng của làng chài bao đời nay”, ông Tiến kỳ vọng.
 
Trung Ân
 
 
 
 

.