(Báo Quảng Ngãi)- Để tăng tính kết nối giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp (DN), UBND tỉnh đã tổ chức Chương trình Cà phê doanh nhân và đối thoại doanh nghiệp (DN) để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, kiến nghị của DN. Tuy nhiên, sau một thời gian, cách làm trên đã dần kém hiệu quả, nên cần phải thay đổi.
[links()]
Không còn phù hợp
UBND tỉnh xác định DN là động lực của nền kinh tế, nhất là DN tư nhân. Do đó, những năm qua, bên cạnh công tác điều hành, hỗ trợ thì UBND tỉnh còn tổ chức Chương trình Cà phê doanh nhân vào mỗi sáng thứ 7 tuần đầu tiên của tháng và Chương trình đối thoại DN (hay Gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư). Đây là một kênh riêng để DN tiếp cận lãnh đạo tỉnh ngoài giờ hành chính, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc để lãnh đạo tỉnh kịp thời chỉ đạo tháo gỡ cho DN.
Thay đổi cung cách phục vụ doanh nghiệp, người dân của bộ máy chính quyền sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn. |
Trong giai đoạn đầu, Chương trình Cà phê doanh nhân nhận được sự hưởng ứng rất lớn của cộng đồng DN, doanh nhân đang và đã sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, cũng như những nhà đầu tư sắp triển khai dự án ở Quảng Ngãi. Các buổi cà phê thu hút hàng chục DN đến dự, trao đổi với lãnh đạo các sở, ngành, UBND tỉnh. Tuy nhiên, sau một thời gian, số lượng doanh nhân đến dự ngày càng ít đi, có chương trình chỉ có chưa đến 5 DN tham dự.
Việc giảm sút số lượng đại diện DN đến dự Chương trình Cà phê doanh nhân không phải chương trình không tốt, bởi bằng chứng hằng năm vẫn có hàng trăm ý kiến được lãnh đạo tỉnh tiếp thu, chia sẻ một cách cởi mở và giải quyết dứt điểm. Tuy vậy, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, cách tiếp cận đã không còn phù hợp.
Anh L.V.T, một DN về sản xuất vật liệu xây dựng cho biết đã tham dự 3 Chương trình Cà phê doanh nhân và những kiến nghị của công ty đều được giải quyết. Song, việc giải quyết còn kéo dài, chưa thỏa đáng. “Mục tiêu của chương trình là rất tốt, nhưng có những vấn đề "tế nhị", DN khó phản ánh trực tiếp được. Ví dụ, muốn phản ánh sự chậm trễ của sở, ngành, nhưng lại có lãnh đạo sở, ngành đó đang có mặt tại buổi cà phê, nên chúng tôi cũng e dè. Có những vấn đề phải thông qua văn bản đối chứng, nên phản ánh tại buổi cà phê không giải quyết ngay được”, anh T cho hay.
Doanh nghiệp hiến kế
Theo các DN, cách tiếp cận DN của lãnh đạo tỉnh thông qua các chương trình gặp gỡ cần thay đổi cho phù hợp. Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội, thì tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Nhìn ra những vướng mắc của từng nhóm ngành, hiệp hội DN để giải quyết, hỗ trợ. Đồng thời, quán triệt các sở, ngành, địa phương cũng cần thay đổi, nhất là thái độ phục vụ, hành vi ứng xử của các cán bộ, công chức.
“Để thực hiện hóa khẩu hiệu chính quyền đồng hành thì trước tiên chính quyền phải thấu hiểu DN, xóa bỏ tư tưởng “cửa quyền” và xây dựng tinh thần phục vụ DN. Các cấp chính quyền cần có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng, có tính kế thừa; thực hiện bằng văn bản chỉ đạo và phân công đầu mối cụ thể. Nhất là cần sâu sát hơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN”, giám đốc một DN chia sẻ.
Một trong những bất cập được DN chỉ ra sau các chương trình cà phê là nội dung chương trình chưa phong phú, chưa mời được nhiều chuyên gia theo lĩnh vực tham dự để tư vấn, hỗ trợ tại chỗ. Thông tin về chương trình chưa được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi để DN, nhà đầu tư có thể kịp thời nắm bắt, đăng ký tham gia khi có nhu cầu dẫn đến hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Nhiều vướng mắc, kiến nghị của DN chưa được giải quyết triệt để.
Để tiếp cận và thấu hiểu DN, cần thiết UBND tỉnh phải có tổ liên lạc để DN đăng ký dự hoặc đặt câu hỏi trước để lãnh đạo tỉnh chủ động khi tiếp cận vấn đề. Đồng thời, sau khi có ý kiến tổng hợp thì mời lãnh đạo các địa phương tham dự. Bởi thực tế, tại các chương trình cà phê doanh nhân, do không có lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố dự dẫn đến nhiều ý kiến, kiến nghị của DN, lãnh đạo tỉnh không thể giải quyết ngay được.
Cần sự thay đổi
Phát biểu tại một hội nghị do UBND tỉnh tổ chức, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân chia sẻ: “Nhìn lại mô hình cà phê doanh nhân cho thấy, các buổi cà phê chẳng khác nào nơi gặp gỡ để giải quyết các bức xúc của DN cả. Chương trình Cà phê doanh nhân không chỉ để DN kiến nghị, yêu cầu giải quyết vướng mắc, mà phải tạo được sự sinh động, thể hiện sự cởi mở của chính quyền đồng hành cùng DN. Phải cho thấy đây là nơi để tỉnh giải quyết vướng mắc cho DN, nhưng cũng là cơ hội để học hỏi cách điều hành, quản trị của DN, hay thậm chí là những hiến kế của DN để tỉnh thay đổi”.
|
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC