Bảo vệ đàn vật nuôi sau bão, lũ

05:11, 18/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau bão lũ, thời tiết diễn biến thất thường, cộng với nhiều loại chất thải tồn ứ trong môi trường tạo điều kiện cho các loại vi rút gây bệnh phát sinh. Đây là thời điểm, người chăn nuôi cần tập trung vệ sinh khử khuẩn, tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm và khắc phục chuồng trại để chuẩn bị tái đàn bán tết.
 
Gia đình ông Nguyễn Huân, ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) thả nuôi hơn 800 con gà mía gần đến ngày xuất bán. Tuy nhiên, cơn bão số 9 đã làm chuồng trại của gia đình bị tốc mái và ngập sâu trong nước, khiến hơn 400 con gà bị chết. Ông Huân cho biết: “Chuồng trại bị ngâm trong nước ô nhiễm, nên dễ sinh ra mầm bệnh. Hơn nữa, đàn gà do nhiều ngày chịu mưa lạnh, thức ăn không đảm bảo, nên sức đề kháng yếu. Hiện nay, nhiều con gà đang gặp phải tình trạng bỏ ăn, rụt cổ, tôi đã đem tách riêng với số gà khỏe, chỉ mong sao đừng thiệt hại nữa”.    
Chị Lê Thị Tuyết, ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức) rải vôi khử khuẩn, chuẩn bị gia cố chuồng trại để tái đàn heo.
Chị Lê Thị Tuyết, ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức) rải vôi khử khuẩn, chuẩn bị gia cố chuồng trại để tái đàn heo.
Trang trại heo của gia đình chị Lê Thị Tuyết, ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức) cũng bị thiệt hại do mưa, bão gây ra. Nhằm tránh dịch bệnh phát sinh và lây lan, chị Tuyết đã chuyển heo đi nơi khác và tiến hành khử khuẩn, gia cố lại chuồng trại trước khi thả nuôi trở lại. Chị Tuyết chia sẻ: “Bão số 9 đã tốc mái, khiến tôn rớt xuống làm hơn 100 con heo của gia đình chết và bị thương. Gia đình đang tập trung phun thuốc, rải vôi khử khuẩn và gia cố lại chuồng trại kiên cố để chuẩn bị thả nuôi bán tết”.
 
Bão số 9 đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh có 137 con trâu, bò, 200 con heo, gần 62.000 con gà, vịt bị chết và hơn 1.700 tấn thức ăn gia súc, gia cầm bị hư hỏng. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ thông tin: Trước mùa mưa bão, Chi cục đã cấp hơn 1,7 triệu liều vắc xin lở mồm long móng, dịch tả heo, cúm gia cầm và gần 27 nghìn lít hóa chất cho các huyện triển khai tiêm phòng, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi. 
 
“Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngăn ngừa vi rút gây bệnh phát sinh, cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác chết động vật để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh. Đối với người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, sát trùng khu vực nuôi, gia cố lại chuồng trại, đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho vụ thả nuôi bán Tết”, ông Hạ khuyến cáo.
 
 Bài, ảnh: HẢI CHÂU
 
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật, hạn chế thiệt hại trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh vừa có văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh 50.000 liều vắc xin lở mồm long móng nhị type O, A; 30.000 lít hóa chất BenKocid và 10 tấn hóa chất Sodium chlorite, để thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, nuôi trồng và tiêm phòng sau lụt, bão trên địa bàn tỉnh.
 
 P.DANH

 

 
 
 

.