(Báo Quảng Ngãi)- Số lượng cảng cá và khu neo trú trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được 1/3 số lượng tàu thuyền toàn tỉnh; luồng lạch ra vào thì bị bồi lấp, không đảm bảo an toàn... Đó là những tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết căn bản khiến ngư dân luôn thấp thỏm mỗi khi mùa mưa bão đến.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đến hẹn “lại chìm”
Rạng sáng 18.9, trong lúc đang neo trú bão tại vùng nước cảng biển Dung Quất, tàu cá QNg 90457 TS của ngư dân Nguyễn Văn Chu, xã Bình Thuận (Bình Sơn) bị va đập với các phương tiện khác, bị phá nước rồi chìm. Vụ tai nạn khiến toàn bộ trang thiết bị điện tử và máy móc trên tàu bị hư hỏng nặng, thiệt hại ước tính hơn 100 triệu đồng. Cùng ngày, tàu cá QNg 97490 TS của ngư dân Trần Nuôi cũng bị phá nước, rồi chìm khi đang neo tạm tại Cảng cá Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).
Tàu cá QNg 97490 TS của ngư dân Trần Nuôi bị phá nước rồi chìm khi đang neo tạm tại Cảng cá Tịnh Kỳ vào ngày 18.9 vừa qua. |
“Nghe tin về cơn bão số 5, tôi vội vàng đưa tàu về bờ để neo trú. Do địa phương không có nơi neo trú, còn cảng Sa Cần ở Bình Chánh thì thường xuyên bị bồi lấp, rất khó đưa tàu công suất lớn về cảng, nên chúng tôi chỉ có thể neo trú tạm ở khu vực cách cầu sông Đầm (Bình Thuận) khoảng 1km. Khu vực này thường chật kín tàu thuyền neo đậu, nhưng lại không kín gió, nên tàu này va đập vào tàu kia, dẫn tới bị phá nước rồi chìm”, ngư dân Nguyễn Văn Chu cho hay.
Không chỉ năm nay, mà trong danh sách thống kê tàu cá bị sóng đánh chìm trong mùa mưa bão trong vòng 3 năm trở lại đây, hầu hết đều là tàu cá công suất lớn, trị giá từ 1 - 3 tỷ đồng/tàu. Nhiều trường hợp tàu cá, dù ngư dân đã chủ động đưa tàu về bờ để tránh trú bão, nhưng vì không có nơi neo trú an toàn, nên ngư dân đành phó mặc tài sản cho thiên tai.
Như trường hợp tàu QNg 90541 TS của ngư dân Phạm Ngọc Anh, xã Bình Chánh (Bình Sơn). Trong đợt mưa bão tháng 11.2017, ông Anh đã chủ động đưa tàu về cảng Sa Cần để neo đậu, nhưng do nước cạn nên phải neo tạm tại cửa biển Sa Cần. Thế rồi gặp giông lốc, tàu bị đứt dây neo, trôi dạt và va vào đê chắn sóng. Sự cố trên khiến ông bị thiệt hại gần 10 tỷ đồng, khi 30 tấn mực cùng tàu bị chìm ngay cửa biển.
Mùa mưa bão đã cận kề, nhưng luồng lạch ra vào cửa Lở (Mộ Đức) lại bị bồi lấp nghiêm trọng, khiến ngư dân địa phương không thể đưa tàu về tránh trú. |
Tại xã Tịnh Kỳ, trong mùa mưa bão năm 2017, khi ngư dân địa phương đang cho tàu tránh trú bão tại vùng bờ biển thôn An Vĩnh thì sóng to, gió lớn làm đứt dây neo, cuốn 22 tàu cá ra hướng biển Sa Kỳ. Ngay sau đó, nhờ phát hiện kịp thời, nên Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ và người dân đã lai dắt được 18 tàu cá về bờ an toàn, còn lại 2 tàu bị chìm, 2 tàu khác thì mắc cạn.
“Toàn xã có hơn 400 tàu cá, trong đó, tàu công suất lớn hơn 180 chiếc. Nhưng do thiếu nơi neo trú tàu, nên mùa mưa bão năm nào, ngư dân cũng phải kiếm chỗ để neo tạm, từ dọc sông Bài Ca, đến sông Kinh rồi các khu vực vùng biển ven bờ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tàu cá nếu gặp sóng to, gió lớn hoặc nước lũ đổ về hạ lưu sông”, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tịnh Kỳ Phan Hữu Nhất cho biết.
Từ năm 2007 - 2016, toàn tỉnh có 5 cảng cá, neo trú tàu thuyền được đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí khoảng 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nhiều cảng đã xuống cấp, lạc hậu, không còn đáp ứng nhu cầu neo trú của các tàu công suất lớn, tàu có chiều dài từ 20m trở lên. Đồng thời, tất cả các cảng này đều chưa đáp ứng tiêu chí cảng loại II. Từ năm 2019 đến nay, từ nguồn vốn trung ương và địa phương, Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á đang được đầu tư giai đoạn 2, với tổng kinh phí khoảng 185 tỷ đồng, Cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn đang được nâng cấp, với tổng kinh phí 400 tỷ đồng.
|
Cảng chật, luồng lạch bồi lấp
Toàn tỉnh hiện có hơn 5.500 tàu cá, nhưng chỉ có 3 cảng neo trú tàu thuyền là Lý Sơn, Mỹ Á (TX.Đức Phổ), Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) và 2 cảng cá là Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ). Hiện tại, những nơi này chỉ mới đáp ứng nhu cầu neo trú cho khoảng 1/3 số tàu thuyền toàn tỉnh.
“Tàu thuyền dồn về đây tránh trú bão, nên cảng lúc nào cũng rơi vào cảnh chen chúc, chật kín. Cảng quá tải nên nguy cơ va đập gây chìm tàu khi sóng to, gió lớn là rất lớn. Nhiều lúc, dù đã đưa tàu về đến cảng, nhưng cũng đành phải neo bên ngoài, vì cảng không còn chỗ nào trống”, ngư dân Bùi Văn Thuận, đang neo trú tàu tại Cảng neo trú Tịnh Hòa, than vãn.
Có sức chứa 400 tàu, nhưng vào mùa mưa bão, cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á (phường Phổ Quang, TX.Đức Phổ) luôn quá tải, vì có gần 500 tàu về tránh trú. |
Cung không đủ cầu, nên nhiều năm nay, các tàu cá công suất lớn trên địa bàn tỉnh phần lớn phải đi tránh, trú bão ở ngoài tỉnh. Còn các tàu công suất nhỏ thì phải neo trú tạm tại các cửa sông, hoặc ngư dân phải khiêng tàu lên bờ để bảo vệ tài sản trong mùa mưa bão. Việc tàu thuyền phải dạt về các dòng sông để neo trú, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đã có nhiều tàu bị đắm, bị chìm ngay cửa sông, hoặc bị va đập làm vỡ, chìm tàu. Không ít ngư dân tại phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, vẫn cho tàu neo vào chân cầu Thạnh Đức để tránh trú trong mùa mưa bão.
Tại xã Đức Lợi (Mộ Đức), dù khu vực hạ lưu sông Vệ vào mùa mưa lũ luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho tàu cá, nhưng vì không có nơi neo trú, nên nhiều ngư dân cũng đành phải đưa tàu về neo trú dọc sông Vệ. “Hạ lưu sông Vệ năm nào cũng tiếp nhận lượng nước lũ khổng lồ từ thượng nguồn đổ về. Nước sông chảy xiết có thể gây đứt dây neo và chìm ghe, tàu, nhưng vì không có vùng neo trú an toàn, nên ngư dân địa phương năm nào cũng phải neo tạm tàu thuyền dọc sông”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Văn Tiến cho biết.
Luồng lạch ra vào cửa Lở (Mộ Đức) bị bồi lấp, nên nơi đây đã trở thành "nghĩa địa" chứa nhiều xác tàu bị mắc cạn rồi chìm. |
Không chỉ khổ sở vì thiếu nơi neo trú tàu thuyền, mà ngư dân còn gặp nhiều khó khăn và rủi ro khi luồng lạch vào khu vực tránh trú bão thường xuyên bị bồi lấp, đặc biệt là trong những ngày sóng to, gió lớn.
Theo Giám đốc Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn, do tính chất phức tạp của các cửa sông, cửa biển, nên các luồng lạch ra vào các cảng neo trú thường xuyên bị bồi lấp. Tuy nhiên, kinh phí khắc phục tình trạng bồi lấp cần nguồn vốn lớn, nên hằng năm, Ban quản lý chỉ có thể khắc phục các vị trí xung yếu, tạo điều kiện cho tàu thuyền ra vào cảng. Dù vậy, tình trạng bồi lấp vẫn tái diễn.
Tại Cảng cá Sa Huỳnh, dù năm 2017, ngành nông nghiệp tỉnh đã nạo vét, thông luồng lạch ra vào cảng với kinh phí gần 700 triệu đồng, nhưng từ năm 2018 đến nay, tình trạng bồi lấp tiếp tục diễn ra. Tại Cảng cá Tịnh Kỳ, dù năm 2018, luồng lạch ra vào cảng đã được nạo vét với kinh phí 856 triệu đồng, nhưng đến nay đã xuất hiện tình trạng bồi lấp trở lại.
Tại Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, sau khi nạo vét vị trí xung yếu dài gần 150m, với kinh phí hơn 1 tỷ đồng vào năm 2019, nhưng tình trạng bồi lấp vẫn chưa được cải thiện. Đầu tư tiền tỷ, nhưng theo Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh, kinh phí này chỉ mới đáp ứng được từ 15 - 20% nhu cầu nạo vét, thông luồng lạch ra vào các cảng hằng năm. Việc đầu tư thiếu đồng bộ vì thiếu kinh phí, khiến tình trạng bồi lấp không được giải quyết dứt điểm.
Thiếu nơi neo trú tàu an toàn, khiến hàng nghìn ngư dân trên địa bàn tỉnh dù muốn, nhưng vẫn không thể về “cảng nhà” để tránh trú bão. Có nhiều chủ tàu, dù đã về đến cảng, nhưng vẫn gặp phải rủi ro, vì luồng lạch bồi lấp. Trong khi đó, mỗi tàu cá không chỉ là sinh kế mà còn là khối tài sản lớn của ngư dân. Vì vậy, ngư dân rất mong các ngành chức năng của tỉnh đầu tư hoàn thiện, đồng bộ, đảm bảo nơi neo trú an toàn cho tất cả tàu cá, để ngư dân có thể tự tin về “cảng nhà” khi có mưa bão.
Bài, ảnh: Ý THU