Nâng chất nghề truyền thống

10:09, 26/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mang lại thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người dân, là mục tiêu chính trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.Với nhiều địa phương, việc phát huy và nâng cao chất lượng nghề truyền thống để tận dụng lợi thế về kinh nghiệm, lao động không chỉ góp phần tạo việc làm tại chỗ, mang lại thu nhập, mà còn gìn giữ các ngành nghề truyền thống.
Thay đổi phương thức sản xuất
 
Trước đây, người dân thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức) chỉ trồng nhỏ lẻ theo từng hộ, canh tác theo thói quen, nên nghề trồng rau chưa mang lại giá trị cao.
 
“Chúng tôi đã chuyển sang trồng rau an toàn theo quy trình, sử dụng các loại phân, thuốc hữu cơ để chăm bón rau. So với năng suất trước đây, trồng rau an toàn năng suất không cao, nhưng chúng tôi được cái lợi chính là bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, môi trường xung quanh và giá bán rau cũng cao hơn so với trước”, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất rau truyền thống An Mô Lê Văn Tuyến cho hay.
 
Điều đáng nói là, tại thôn An Mô còn có hộ liên kết với doanh nghiệp có chuỗi cửa hàng rau sạch để trồng rau theo hướng hữu cơ. Tại vườn rau có gắn camera theo dõi từ lúc xuống giống, cho đến khi thu hoạch. 
 
Người dân thu hoạch rau tại thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức).
Người dân thu hoạch rau tại thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức).
Còn tại xã Bình Hải (Bình Sơn), từ hai năm trở lại đây, vùng trồng hành tím được tiếp thêm sức bật mới với việc áp dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký nhãn hiệu tập thể, dán mã vạch truy xuất nguồn gốc... Từ đó, hành tím Bình Hải được nhiều người biết đến hơn, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
 
“Nhờ đăng ký nhãn hiệu, khách hàng khi mua sản phẩm chỉ cần quét mã vạch, biết được nơi sản xuất của hành tím. Bên cạnh đó, HTX bao tiêu đầu ra, nên người dân không còn lo cảnh “được mùa mất giá”. Điều đặc biệt, ngoài hành tươi, hành tím Bình Hải còn có hành sấy khô, hành ép chân không, hành muối chua... Vì thế, với 60ha/vụ, mỗi năm canh tác 3 vụ, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ trồng hành”, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải Phạm Cầu cho hay.
 
Thúc đẩy nghề truyền thống
 
Là một trong những làng nghề truyền thống được công nhận, song nước mắm Đức Lợi từng nhiều lần lao đao, bí đầu ra, dẫn đến nhiều hộ không còn mặn mà. Thời gian gần đây, nhờ nhiều sự trợ lực, nước nắm Đức Lợi dần hồi phục. Ngoài việc duy trì chất lượng, hiện nay thay vì đóng vào chai lọ không có nhãn mác, người dân đã đặt tên cho những chai nước mắm do hộ gia đình sản xuất. Nhờ những nỗ lực đó, trong số 11 sản phẩm đủ điều kiện công nhận Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh, thì có đến 3 sản phẩm nước mắm xã Đức Lợi.
 
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 1 làng nghề, 5 làng nghề truyền thống và 7 nghề truyền thống được công nhận. Trong các nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận có hơn 600 cơ sở hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 2.500 lao động. Với trên 200 HTX nông nghiệp (13 HTX trồng trọt, 1 HTX chăn nuôi, 2 HTX diêm nghiệp, 11 HTX nuôi trồng và khai thác thủy sản, 1 HTX lâm nghiệp và 176 HTX tổng hợp), bước đầu hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất cây trồng, vật nuôi truyền thống. Đó là các sản phẩm truyền thống như lúa, rau an toàn, khoai lang, nếp ngự, bưởi, chôm chôm... mang lại hiệu quả ổn định hơn.
 
Giám đốc HTX Sản xuất rau truyền thống An Mô Lê Văn Tuyến tin tưởng: “Dù ban đầu gặp khó khăn về đầu ra và vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng trong thời gian tới, chúng tôi tin chắc với việc thay đổi phương thức sản xuất rau an toàn, thì cơ hội đầu ra cho vùng rau truyền thống vẫn rất rộng mở”.
 
Bài, ảnh: HUỲNH THẢO
 
 
 

 


.