Giải pháp nào cho ngư dân Sa Huỳnh

10:09, 22/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau gần 20 năm kè chắn sóng Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) được đầu tư xây dựng, cũng là ngần ấy thời gian luồng lạch vào cảng cá Sa Huỳnh cứ bồi lấp, teo tóp dần, gây trở ngại rất lớn cho tàu thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân địa phương. Cửa biển Sa Huỳnh bị bồi lấp nặng, tàu thuyền công suất lớn không ra vào được cũng khiến dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ ở làng biển này ngày càng thưa vắng.
 
Sa Huỳnh từng là cửa biển sầm uất nhất nhì tỉnh, số lượng tàu thuyền công suất lớn ở địa phương này cũng nằm trong tốp đầu các xã ven biển của tỉnh, thế nhưng hơn chục năm trở lại đây, câu chuyện hành nghề biển của ngư dân ở làng chài Sa Huỳnh lại giống như một “khúc nhạc buồn”. Luồng lạch ra vào cửa biển bị cát bồi lấp và thu hẹp dần, nên dẫu sắm được tàu to máy lớn, ngư dân phường Phổ Thạnh vẫn phải chịu “một cảnh hai quê”.
 
Họ rời nhà đi biển bằng xe đò, đến các tỉnh, thành phố xong lại đón xe ôm, taxi xuống cửa biển. Sau khi mua sắm, trang bị phí tổn cho chuyến biển, họ lên tàu ra khơi đánh bắt hải sản. Sau đó về lại cảng biển bán cá, rồi thuê người giữ tàu và lên xe đò về lại quê. Điệp khúc ấy giống như một vòng luẩn quẩn, bám riết lấy nghề biển của ngư dân làng chài Sa Huỳnh. Tàu công suất lớn không vào bờ được cũng khiến các dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ ở Sa Huỳnh cũng ngày càng ế ẩm, mai một...
 
Theo thống kê, khoảng 800 tàu đánh bắt hải sản của ngư dân phường Phổ Thạnh mỗi năm khai thác được trên 45 nghìn tấn hải sản, nhưng 80% trong số này cập bến ở các cảng khác để bán. Tàu cá không về cảng Sa Huỳnh nên việc làm cũng ít. Thu nhập của nhiều lao động làm nghề phân loại hải sản ở cảng Sa Huỳnh bị giảm sút. Nhiều cơ sở chế biến hải sản ở cảng cá Sa Huỳnh bây giờ phải đi vào Bình Định hay ra Đà Nẵng để thu mua nguyên liệu về hoạt động, nhưng chủ yếu là sơ chế mực. Dịch vụ hậu cần nghề cá như xăng dầu, đá lạnh, chế biến hải sản chỉ còn vài cơ sở hoạt động.
 
Theo một số ngư dân cao niên ở làng cá Sa Huỳnh, sau khi dự án thông cửa biển và xây dựng cảng cá Sa Huỳnh được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 rồi dừng lại, có thể do không được đầu tư đến nơi đến chốn, nên dự án đã không phát huy hiệu quả. Luồng lạch bị cát bồi lấp, cửa biển bị thu hẹp dần nên tàu thuyền ra vào cửa biển Sa Huỳnh rất khó khăn. Đặc biệt, chiếc kè đá chắn sóng ở cửa biển với thiết kế bờ đá lởm chởm đã trở thành “cái bẫy”, nên mỗi khi tàu cá bị sóng đánh tấp vào là hư hỏng. Đã có nhiều tàu của ngư dân ra vào cửa bị sóng biển đánh chìm ở cửa biển. Cũng vì thế, cảng cá Sa Huỳnh trước đây tàu thuyền tấp nập, thì nay đã trở thành bến cá đìu hiu, thuyền muốn vào ra phải chờ nước lớn; hiện chỉ có một số tàu công suất nhỏ ra vào.
 
Mong ước thiết tha của người dân Sa Huỳnh, cũng như của chính quyền phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) hiện nay là đầu tư thông luồng cửa biển Sa Huỳnh, tạo thuận lợi cho tàu thuyền của người dân địa phương và các nơi ra vào đánh bắt, tiêu thụ hải sản. Có vậy mới phát huy được tiềm năng, thế mạnh của cảng biển Sa Huỳnh, giúp ngư dân yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế biển bền vững .
 
PHẠM DANH
 

.