Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

09:08, 24/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với tiềm năng, thế mạnh về đất, đồi rừng, huyện Sơn Hà có nhiều thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, nhiều mặt hàng nông sản của huyện được đưa vào các siêu thị trên cả nước, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Đa dạng mô hình sản xuất nông nghiệp
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết: Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02 về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển kinh tế rừng bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đã mang lại hiệu quả thiết thực. 
 
Sản phẩm ớt Xiêm Sơn Hà được đóng hộp để chuyển đến siêu thị Big C.
Sản phẩm ớt Xiêm Sơn Hà được đóng hộp để chuyển đến siêu thị Big C.
Theo đó, huyện đã triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 - 2020. Huyện  đã tiến hành quy hoạch 3 loại rừng; quy hoạch vùng sản xuất rau tập trung tại xã Sơn Trung, với quy mô 22ha; đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án, mô hình khuyến nông, lâm nghiệp có hiệu quả cao như: Sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gia cầm, gia súc theo hướng tập trung; tổ chức sơ chế, chế biến các sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản... 
 
Ngoài ra, huyện còn triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với các mô hình trồng cây ăn quả tập trung như: Trồng dừa xiêm, bưởi da xanh, mít Thái, bơ, dưa lưới, trồng rừng cây gỗ lớn, trồng mì xen đậu phụng... Huyện Sơn Hà còn phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Huế, Sở KH&CN Quảng Ngãi triển khai dự án nghiên cứu, bảo tồn và nhân giống ớt xiêm trên địa bàn. Ngoài ra, huyện chú trọng kêu gọi, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển trang trại. Đến nay, trên địa bàn huyện có 7 trang trại được cấp giấy chứng nhận.
 
Đưa nông sản vào siêu thị
 
Đưa nông sản của vùng cao vào siêu thị là một thành công lớn của huyện Sơn Hà, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã chú trọng phát triển vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông sản tập trung theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.
 
Hiện có 15 hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp tham gia thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện. Huyện đã xây dựng logo nông sản Sơn Hà và các nhãn hiệu hàng hóa theo đúng quy chuẩn, tạo thương hiệu riêng và được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cấp mã số, mã vạch hàng hóa; đồng thời tham gia quảng bá sản phẩm nông nghiệp tại các hội chợ...
 
Các hộ dân tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn Hạ và các nhóm hộ dân tại các xã Sơn Trung, Sơn Thượng... đã ký kết với 18 Siêu thị Big C trong cả nước để cung ứng các sản phẩm của địa phương như: Gà kiến Sơn Hà, ớt xiêm rừng, chuối hột rừng sấy khô, rau dớn, dưa leo, dưa hấu, rau bồ ngót rừng... 
 
Thông qua kênh phân phối, hỗ trợ của Big C, giá thành sản phẩm được nâng cao, mỗi năm đem lại nguồn thu cho người dân Sơn Hà khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác ở huyện Sơn Hà cũng đang phát triển thương hiệu theo hướng hàng hóa như: Rượu cần, rượu gạo men lá, dầu phụng...
 
Để các sản phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, huyện vận động xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm theo hình thức huy động kinh phí của hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác và xã hội hóa, với đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại. Nổi bật như Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Sơn Hà, ở thôn Nước Tam, xã Sơn Thượng.
 
Theo ông Phùng Tô Long, nông sản của huyện Sơn Hà được người tiêu dùng lựa chọn là do được nuôi trồng ở nơi có thổ nhưỡng riêng biệt, còn hương thơm, vị ngon thì rất đặc trưng mà không nơi nào có được. Nhiều loại rau rừng được người dân hái bán trong ngày nên giữ được độ tươi sống, không có thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản.
 
Các sản phẩm đều được đóng gói, dán nhãn mác rõ ràng. Trong thời gian tới, huyện Sơn Hà sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển đa dạng các mặt hàng nông sản, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, qua đó giúp người dân ngày càng nâng cao thu nhập, có đời sống khấm khá hơn. 
 
Bài, ảnh: SÔNG THƯƠNG
 
 
 

.